Báo Công An Đà Nẵng

Đưa kiến thức về chủ quyền Hoàng Sa vào đề thi

Thứ năm, 31/12/2015 10:08

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-12, hơn 10 ngàn học sinh lớp 12 thành phố Đà Nẵng làm bài thi học kỳ 1 môn Lịch sử với cảm hứng yêu nước dâng trào khi lần đầu tiên kiến thức chủ quyền về Hoàng Sa của Việt Nam xuất hiện trong đề thi. Đây là “sự kiện” gây sự hào hứng đối với thầy trò lẫn phụ huynh học sinh.

Thầy Lê Văn Phan, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền nhận xét: Câu 3 cho những dữ liệu cho sẵn, yêu cầu học sinh nhận xét, đánh giá về những hành động của Chính quyền thuộc địa Pháp và Chính phủ An Nam trong việc củng cố và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa là một câu hỏi hay; vừa đạt mục đích tuyên truyền, giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo; vừa phát huy được năng lực học sinh khi học sinh được nhận định, nhận xét, đánh giá thông qua tìm hiểu các dữ liệu lịch sử. “Đề ra như vậy là cách để học sinh nói lên được quan điểm, chính kiến của mình, qua đó hình thành cho các em kỹ năng tìm kiếm thông tin, sàng lọc thông tin và tinh thần phản biện”,thầy Phan bày tỏ.

Đề thi học kỳ 1 môn Lịch sử của Sở GD – ĐT TP Đà Nẵng có câu hỏi về kiến thức chủ quyền biển, đảo.

Về phía học sinh, đa phần các em đều đánh giá câu 3 khó nhưng hay, tạo được cảm hứng khi làm bài vì được nói lên chính kiến của mình mà không cần phải học vẹt. Em Đức Thắng (học sinh Trường Hoàng Hoa Thám) cho rằng, với câu 3 dù hơi khó vì cách hỏi mới, lạ nhưng chỉ cần một chút tư duy và tinh thần yêu nước cứ nhận xét đó là những việc làm củng cố và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, là cơ sở pháp lý và là bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là có điểm.

Trong khi đó, phụ huynh học sinh cũng tỏ ra hào hứng với đề thi có kiến thức chủ quyền về Hoàng Sa.  Ông Nguyễn Thanh Hiền (một phụ huynh ở Q. Ngũ Hành Sơn) cho hay, trong khi dư luận cho rằng sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý không đưa hoặc đưa quá ít kiến thức về biển, đảo, đặc biệt là kiến thức chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thì đề thi học kỳ 1 môn Lịch sử, Sở GD – ĐT TP Đà Nẵng lại đưa vấn đề này vào trong đề thi khiến tôi rất bất ngờ và cảm phục. “Ra đề thi như thế học sinh quan tâm hơn đến kiến thức về biển, đảo, sẽ học kỹ không chỉ vì điểm mà còn cả vì tình yêu Tổ quốc”, ông Hiền bình luận.

Được biết, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, Thành ủy đã giao cho Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng biên soạn sách Lịch sử Đà Nẵng đưa nội dung kiến thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vào sách này. Đến tháng 4-2015, sách Lịch sử Đà Nẵng được xuất bản. Ngay sau đó, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã triển khai dạy và học sách Lịch sử Đà Nẵng trong chương trình chính khóa, tạo sự hứng khởi cho thầy trò và được dư luận đánh giá cao.

Nay, với đề thi xuất hiện kiến thức chủ quyền biển, đảo, rõ ràng đây tiếp tục là một điểm cộng cho những nỗ lực tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Phạm Được