Đưa nghệ thuật cồng chiêng vào môi trường học đường
(Cadn.com.vn) - Ngành Văn hóa tỉnh Đắc Nông đang từng bước tái hiện, lưu giữ, tuyên truyền người dân phát huy vẻ đẹp bản sắc riêng của mỗi dân tộc; phối hợp với ngành giáo dục đưa nghệ thuật văn hóa cồng chiêng vào môi trường học đường. Hoạt động này đến nay đã và đang có hiệu quả tích cực. Nghệ thuật cồng chiêng đã được dạy tại 6 trường dân tộc nội trú tại các huyện Cư Jút, Krông Nô, Đắc Mil, Đắc R'lấp, Đắc Song và thị xã Gia Nghĩa. Đối tượng học là các học sinh có độ tuổi từ 11 tuổi trở lên. Tại đây, các em được các nghệ nhân dạy về nội dung và hình thức diễn tấu, cách đánh, nhịp điệu từng bài chiêng... quen thuộc trong đời sống.
Việc đưa cồng chiêng vào môi trường học đường không chỉ gìn giữ tiếng chiêng, tiếng trống mà còn rèn luyện thêm ý thức giúp các em biết gìn giữ tinh hoa dân tộc. Hiện nay đa số các "thầy, cô" được nhà trường mời về dạy đều là các nghệ nhân tại các buôn, bon ngay tại địa phương. Theo thống kê của ngành văn hóa tỉnh Đắc Nông, tính đến thời điểm hiện nay, trong 117 bon, buôn có 86 nghệ nhân có năng khiếu truyền dạy cồng chiêng. Ông Tô Đình Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắc Nông cho biết: "Việc đưa cồng chiêng vào dạy tại các trường học đã mang lại hiệu quả, các em nhiệt tình tham gia. Đây là tín hiệu mừng trong chặng đường khôi phục gìn giữ cồng chiêng nói riêng và các bản sắc văn hóa khác nói chung.
Một giờ học đánh cồng chiêng của học sinh trường dân tộc nội trú ở H.Krông Nô. |
K'GỬI H