Đưa nước sạch về bản
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, đi từ đầu xóm đến cuối thôn Mực (TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang, Quảng Nam), đâu đâu cũng nghe bà con phấn khởi, râm ran chuyện nước sạch về đến từng nhà. Thôn Mực cách trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ 1 km với 115 hộ dân là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Nhiều năm qua, người dân trong thôn chủ yếu sử dụng nước trực tiếp tại các mạch nước tự nhiên để sinh hoạt hàng ngày. Vào mùa khô, người dân phải dành dụm, tích trữ từng can nước. Việc sử dụng nguồn nước tự nhiên không những không đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe mà còn gây nhiều trở ngại, bất tiện cho người dân. Bấy lâu nay, gia đình anh A Rất Then cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn vẫn phải đi bộ vài trăm mét để giặt giũ quần áo rồi gánh nước về nhà.
Anh cho biết: "Nước ăn uống còn khan hiếm nên chuyện tắm giặt của gia đình chủ yếu được lấy từ con suối Điêng cạn đục này". Anh nói thêm: "Tắm giặt ở đầu nguồn thì còn sạch chứ dùng nước suối ở đoạn chảy qua thôn thì không đảm bảo đâu. Bởi thế mà người dân, nhất là các em nhỏ ở đây thường bị ngứa ngáy, mưng mủ ngoài da". Ông A Rất Thế-Trưởng thôn Mực cho biết: "Bà con trong thôn rất muốn có một công trình đưa nước sạch về thôn, nhưng với sức lực và điều kiện kinh tế của nhân dân hiện nay thì không đủ khả năng. Trong nhiều cuộc họp của thôn, bà con đều có ý kiến đề xuất chính quyền tạo điều kiện, nhưng địa phương chưa có kinh phí đầu tư".
ĐVTN vận chuyển ống nhựa để lắp đặt đường ống dẫn nước. |
Để đưa được nước sạch từ đầu nguồn nước (tại Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ) về thôn Mực dài gần 1 km, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam H. Nam Giang đã huy động 70 thanh niên tham gia đào, đặt đường ống bằng nhựa chuyên dùng có đường kính 42mm với độ sâu 60cm, rộng 30cm dẫn nước về cho bà con trong thôn sử dụng. Tại trung tâm thôn Mực được xây dựng 1 bể chứa nước lớn, từ đó các hộ có thể nối các đường ống dẫn về nhà. Anh Võ Thanh Luân-Chủ tịch Hội LHTN thị trấn Thạnh Mỹ, thành viên của đội tình nguyện, chia sẻ: "Chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con trong 3 ngày. Có những ngày cùng các cô, các chú ở địa phương đào, lắp đặt đường ống tới 11 giờ, nắng như đổ lửa, bạn nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Nhưng nghĩ đến việc sớm đưa nguồn nước sạch về cho người dân dùng là chúng tôi lại hứng thú, hăng say làm việc".
Hay tin có đoàn tình nguyện về giúp dân, Chi đoàn thôn Mực cũng đã vận động đoàn viên thanh niên và người dân trong thôn cùng tham gia xây dựng công trình ý nghĩa này. Phó Bí thư Chi đoàn thôn Mực A Rất Phơn tâm sự: "Các bạn ở xa có chuyên môn về kỹ thuật thì mình ở đây góp công, góp sức để hiện thực hóa ước mơ về nguồn nước sạch cho đồng bào, để câu chuyện nước sinh hoạt, ăn uống không còn là nỗi lo lắng thường ngày của bà con". Ông A Lăng Tiêm, một người dân trong thôn, nói: "Từ hôm các chiến sĩ tình nguyện về đây đào đường, lắp đặt ống dẫn nước sạch về thôn, tôi tự nguyện tham gia 3 ngày cùng với họ, bởi đây là công trình mà người dân chúng tôi rất mong đợi".
Hiện nhiều người dân thôn Mực đã đầu tư các thiết bị để tiếp nối, dẫn nước vào nhà sử dụng. Với công trình nước sạch hoàn thiện này, các hộ dân tại đây sẽ được sử dụng nguồn nước sạch đã qua xử lý, không còn cặn bẩn và mùi hôi, giúp cải thiện đời sống và sức khỏe cho đồng bào. Từ nay, cảnh những người phụ nữ ngồi giặt quần áo hai bên bờ suối hay oằn lưng gánh từng thùng nước sẽ không còn nữa, mà thay vào đó là những chiếc vòi nước trắng xóa ngay tại nhà. Trong niềm vui chung, ông A Rất Thế phấn khởi: "Bây giờ có nước về tận nhà rồi, thôn chúng tôi sẽ họp lại, thành lập tổ bảo vệ, khai thác. Đồng thời sẽ tuyên truyền, vận động bà con phải bảo vệ nguồn nước, công trình, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt".
Tổng kinh phí xây dựng cho công trình này là 100 triệu đồng do Hội LHTN Việt Nam tỉnh vận động từ Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) thông qua chương trình "1 phút tiết kiệm - Triệu niềm vui". Thôn Mực là địa phương đầu tiên được nhận tài trợ và triển khai công trình.
Thiên Ngân