Báo Công An Đà Nẵng

Đứa trẻ lưu lạc & hành trình trả ơn

Thứ ba, 10/12/2013 09:24

(Cadn.com.vn) - Một đứa trẻ miền biển lưu lạc lên núi rừng Trường Sơn và trở thành đứa con của đồng bào dân tộc ít người. Một hành trình dài đầy bi kịch, nước mắt nhưng cái kết cũng thật có hậu. Ít ai nghĩ rằng người từng là Trưởng CAH miền núi A Lưới (tỉnh TT- Huế) suốt 24 năm trời lại có một chặng đường đời như vậy. Ông là Hồ Văn Xoa, 73 tuổi, ở thị trấn A Lưới.

Cuộc đời chìm nổi

Trời còn váng vất sương trên dãy Trường Sơn đã thấy người đàn ông tóc điểm bạc, rướn sức đạp chiếc xe cà tàng trên đường Hồ Chí Minh. Ẩn sau vẻ khắc khổ ấy là “chất lửa” của một người xuất thân từ “dân” an ninh thời chiến chinh. “Ngày mô bố cũng đi cả, khi thì qua Hồng Quảng, khi thì đi Hồng Bắc. Bố đi nói chuyện với các già làng, với tụi thanh niên trong làng ấy mà”, giọng ông trầm ấm. Người đàn ông ấy là Hồ Văn Xoa.

Cũng từ những buổi nói chuyện ấy mà ông Xoa đã giải cứu nhiều số phận con người ở vùng núi A Lưới này. Mới đây, ông được bà con “mật báo” ở nhà ông Quỳnh T. (xã Hương Lâm) vì hủ tục cho con gái tảo hôn mà cô gái nhất định không chịu lấy người chồng mà gia đình đã chọn. Vậy là gia đình giam con lại để tạo sức ép. Ông Xoa tức tốc xuống tận nhà để thuyết phục. Cuối cùng cô gái đã được giải thoát và sống cuộc sống vô tư như bao thiếu nữ khác. “Giúp đồng bào có cuộc sống vui vẻ là bố vui rồi”, ông Xoa cười xòa.

Là người mang lại hạnh phúc cho người khác, nhưng cuộc đời ông lại là một câu chuyện dài đầy bi ai.  Năm 1945, người dân vùng cát trắng Điền Hải (H. Phong Điền, tỉnh TT- Huế) điêu đứng vì nạn đói. Lúc đó Võ Cương (tên tiếng Kinh của ông Xoa) mới chỉ là đứa trẻ lên 4 tuổi. Cha của Cương bỏ lại 4 mẹ con rồi ra đi. Chỉ còn người mẹ miệt biển còm cõi bữa sắn, bữa khoai nuôi  con. Hạnh phúc nhỏ nhoi bỗng vụt tắt vào một sớm mai. Cương đói bụng nên chạy tới lay mẹ dậy. Trên cánh tay mẹ, thằng Heo (em Cương) vẫn hồn nhiên ngậm bầu vú. Hai lần, ba lần... Cương kêu mẹ vẫn không tỉnh. Khi hàng xóm qua thì mới biết mẹ đã chết đói từ lúc nào.

Tấm hình lưu niệm duy nhất của ông Xoa và người chị gái mà ông còn lưu giữ được.

Hai đứa trẻ bơ vơ giữa miền cát trắng.  Ngày ngày, Cương cõng em đi khắp những triền cát bỏng rát tìm cái ăn. Rồi hai vợ chồng người Vân Kiều ở A Lưới vì hiếm muộn nên đã đưa anh em Cương lên núi. Cương được đưa về xã Thượng Ninh nhận làm con nuôi, còn em trai được nhận về xã  Hồng Thượng. Từ đó hai đứa trẻ miền biển trở thành những đứa con của núi rừng. Cương được đặt tên Hồ Văn Xoa, còn người em là Hồ Văn Phênh. “Tui chỉ biết ngồi dưới sàn nhà và khóc vì mọi thứ đều quá xa lạ, từ con người đến tiếng nói”, ông Xoa nhớ lại.

Cuộc sống cơ cực, Xoa phải lấy vỏ cây đập dập ra để làm áo, phải lấy khố để mặc như những đứa trẻ miền núi. Năm 1959, Xoa xung phong đi làm liên lạc cho các đơn vị bộ đội đóng quân ở A So.  Ít năm sau, Phênh cũng vào quân ngũ. Giữa bom đạn, Xoa gặp lại em trai. Nhưng đau đớn thay, người em đã trở thành đứa con Vân Kiều không còn nhớ gì về quá khứ. 10 năm sau, một người lính ở Điền Hải đóng quân cùng với Phênh làm chứng xác nhận Cương chính là anh trai của Phênh, Phênh mới nhận anh. Xoa chỉ kịp tặng em bi đông nước làm kỷ niệm rồi hẹn nhau ngày đất nước giải phóng. Có ngờ đâu, cuối năm đó Phênh hy sinh...

Tham gia lực lượng an ninh A Lưới, hằng tuần, Xoa băng rừng lội suối về ga Phò Trạch gùi muối lên cho đồng bào sử dụng. Và mỗi lần về đồng bằng, trong người Xoa lại ấp ủ dự định tìm về cố hương ở Điền Hải. Ngày Xoa đặt chân lên chuyến đò quê hương, ông cũng không ngờ đó là chuyến qua phà đầy duyên ngộ. “Khi đang loay hoay tìm chỗ ngồi thì bỗng một người phụ nữ chạy đến nhìn chằm chằm vào mặt tui và ôm lấy tui khóc nức nở. Không ngờ sau mấy chục năm lưu lạc nhưng dì Mót em mẹ tui vẫn còn nhận ra đứa cháu này”, ông Xoa kể. Đặt chân lên mảnh đất quê nhà, ông Xoa khụy xuống vì xúc động. Vừa nhìn thấy em trai bước vào, người chị gái tóc đã hoa râm ôm mặt khóc nức nở.

Hằng ngày ông Xoa vẫn cần mẫn trên chiếc xe đạp cà tàng để đến
giúp đỡ đồng bào Vân Kiều ở A Lưới.

Trả ơn đồng bào

Suốt 24 năm sau ngày giải phóng, ông Xoa liên tục giữ chức Trưởng CAH A Lưới với nhiều đóng góp ý nghĩa, mà theo cách ông nói, là trả ơn mảnh đất này. Rồi chuyện nghĩa ân cũng nảy sinh duyên ngộ. Tháng 5-2013, ông Xoa vừa ngồi ở mạn thuyền trên chuyến đò về cố hương, người lái đò vội chào ríu rít: “Con là Khang! Chắc ông không nhớ cách đây hơn 10 năm, chính ông đã thả con ra còn cho tiền con mua vé xe về quê. Từ đó con làm lái đò, không đi rừng nữa”. Khang là một trong những người vì cái nghèo, cái đói nên phải lên A Lưới đãi vàng, chặt gỗ và bị bắt. “Hơn chục người mặt lấm lem, xương xẩu, da xanh tái vì sốt rét. Tui nghĩ họ vì cái đói, cái nghèo mới phải lên xứ rừng thiêng nước độc này kiếm ăn nên đã thả họ về”, ông Xoa chia sẻ.

Ông Xoa về hưu với cấp hàm Thượng tá, nhưng dường như, chất lính  trong ông không bao giờ ngơi nghỉ. Hôm đến nhà, ông khoe mới đi giúp đồng bào ở Hồng Quảng bỏ hủ tục đầu độc bằng cây tnooi. Đó là ông Quỳnh V. mâu thuẫn với hàng xóm nên lấy thuốc độc tnooi để xử. Người dân điện báo ông vội xuống tận nơi để khuyên nhủ. Uy tín của ông Xoa khiến ông Quỳnh V. từ bỏ ý định. Trước đó không  lâu, ông Xoa cũng lặn lội đến xã Nhâm để giải quyết một vụ tương tự.

Với chức danh Chủ nhiệm CLB công an hưu trí A Lưới, hằng tháng ông Xoa tổ chức những buổi nói chuyện để tuyên truyền, vận động bà con sống lối sống văn minh, đúng pháp luật và ông luôn là người tiên phong đấu tranh xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của đồng bào. Đến nay, hủ tục cúng ma rừng để chữa bệnh đã không còn tồn tại ở các bản làng người Vân Kiều sinh sống dưới dãy Trường Sơn. Không chỉ vậy, ông còn thường xuyên lui tới những gia đình nghèo để giúp họ lon gạo hoặc tặng ít tiền từ số tiền lương hưu ít ỏi của mình.

Đoàn Cường