Báo Công An Đà Nẵng

Đưa triển lãm đến trường học

Thứ ba, 26/04/2022 19:02
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thưởng lãm hình ảnh những cây cầu và chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng. ảnh: P.T

Ngoài ý nghĩa tuyên truyền giáo dục theo từng chủ đề phù hợp học sinh các cấp, theo ông Trần Văn Chuẩn- Trưởng phòng Giáo dục– Truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng, việc đưa triển lãm đến với trường học còn góp phần tạo điều kiện cho những học sinh chưa có điều kiện đến bảo tàng vẫn có thể tiếp cận được bảo tàng, đưa hoạt động bảo tàng đến gần với học sinh hơn.

Theo đó, trong tháng 4, Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Đà Nẵng- TP của những cây cầu” đến với học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. “Triển lãm giới thiệu đến học sinh bức tranh toàn cảnh của TP Đà Nẵng trước năm 1997 và những thành tựu đạt được sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997) đến nay, nhất là sau khi các cây cầu được xây dựng và đi vào lưu thông đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của thành phố và cuộc sống của người dân”, ông Chuẩn Chia sẻ.

Qua thưởng lãm các bức ảnh được trưng bày tại trường mình, có nữ sinh thổ lộ, có những cây cầu các em chưa một lần được đặt chân đến như cầu Nam Ô, cầu Cẩm Lệ, cầu Tà Lang- Giàn Bí, cầu Trường Định... “Em được biết Đà Nẵng là TP của những cây cầu nhưng có những cây cầu em từng đặt chân đi qua nên chưa hình dung ra được hình dáng của nó. Giờ em mới biết cây cầu Nam Ô cũ có hình dáng cổ kính, mới biết TP mình có những cây cầu mang tên Tà Lang- Giàn Bí…”, một nữ sinh học chuyên Pháp chia sẻ. Là thế hệ sinh sau năm 2000, nhiều học sinh cảm thấy thích khi thưởng lãm những bức ảnh Đà Nẵng xưa (năm 1997 trở về trước) như: Bến phà Đà Nẵng, Chợ Cồn trước 1975- Trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng (1985), Nhà hát Trưng Vương hay Chợ Hàn xưa. Các em thú thật, được nghe, đọc và biết về Đà Nẵng trước năm 1997, nhưng chưa có điều kiện để tìm hiểu kỹ hay được xem những bức ảnh cận cảnh về Đà Nẵng xưa như thế này.

Thông qua tác phẩm hội họa để giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh, cũng trong tháng 4, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức đưa triển lãm với chủ đề “Ký họa chiến trường Khu V” đến với học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh (H. Hòa Vang). Thưởng lãm những bức ký họa về chiến trường Khu V đồng thời được nghe họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ (Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng), họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng nêu ý nghĩa của các tác phẩm được trưng bày triển lãm tại sân trường, em Lê Ánh Ngân, học sinh lớp 9/3 Trường THCS Nguyễn Văn Linh- bộc bạch: “Thông qua 42 bức ký họa của các họa sĩ được trưng bày triển lãm lưu động tại trường giúp chúng em có điều kiện hiểu thêm về tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường của các thế hệ cha anh đi trước trong kháng chiến giành độc lập dân tộc. Từ đó chúng em càng thêm trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình có được của ngày hôm nay. Chúng em hy vọng thời gian tới nhà trường sẽ có thêm nhiều hoạt động kết hợp với các bảo tàng để đưa triển lãm đến với trường học, đặc biệt là những trường xa trung tâm TP như trường em”.

Với mục đích tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, Ban Quản lý Nhà Trưng bày Hoàng Sa phối hợp cùng Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức chương trình trưng bày tranh, ảnh lưu động tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn TP với chủ đề “Thanh thiếu nhi Đà Nẵng với biển đảo quê hương” năm 2022. Trong tháng 4, chương trình này được triển khai tổ chức tại 2 trường: THPT Ông Ích Khiêm và THCS Trần Quang Khải (H.Hòa Vang) với 3 chủ đề chính: Lịch sử xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; Một số hình ảnh về vươn khơi bám biển trên vùng biển Hoàng Sa; Hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình hiện nay qua tư liệu báo chí. Được biết, chương trình này sẽ tiếp tục tổ chức vào các tháng: 5, 9, 10 năm nay.

Ngoài trưng bày chuyên đề, trưng bày thường xuyên, trưng bày lưu động là một trong các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng. Với những nỗ lực trong việc lựa chọn, giới thiệu các bộ sưu tập hiện vật, tranh ảnh có nội dung phù hợp với học sinh ở từng cấp bậc học, trong đó chú trọng tăng cường yếu tố trải nghiệm và tương tác cho người học…, việc đưa triển lãm đến trường học là cách để các bảo tàng tạo điều kiện để người học chưa có điều kiện đến bảo tàng được tiếp cận với bảo tàng, góp phần cùng ngành GD-ĐT đổi mới phương pháp dạy - học đối với môn lịch sử, tránh hiện tượng học chay dẫn đến sự nhàm chán đối với môn học này. Đây cũng là cách đa dạng hóa các hoạt động, góp phần đưa bảo tàng đến gần với HS, qua đó góp phần xây dựng, hình thành ở các em sự hứng thú, thói quen thường xuyên đến tham quan, học tập, tìm hiểu và hưởng thụ văn hóa tại các điểm bảo tàng, các di chỉ khảo cổ…

P.Thủy