Báo Công An Đà Nẵng

Đưa vấn đề biển Đông và chủ quyền biển, đảo vào bài thi

Thứ bảy, 17/05/2014 12:01

(Cadn.com.vn) - Ngày 12-5, học sinh khối lớp 7 ở TP Huế thi môn Văn học kỳ 2 với đề thi chung của Phòng GD- ĐT TP Huế (TT-Huế), trong đó có câu: "Hãy viết bài văn nghị luận để làm rõ ý nghĩa của câu tục ngữ: "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo"... Sáng 16-5, nhiều giáo viên Văn khi chấm bài thi rất bất ngờ khi phát hiện trong số hàng ngàn bài, có một số bài vẫn chưa ráp phách (trước khi chấm phải rọc phách) mạnh dạn đưa vấn đề  biển Đông vào bài làm. Em Phan Quốc Khánh, học sinh lớp 7/2 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, sau khi phân tích nghĩa đen, nghĩa bóng của câu tục ngữ nói trên, tiếp tục đưa tình hình biển Đông hiện nay vào bài để làm rõ thêm ý nghĩa của câu tục ngữ.

Trong bài, có đoạn em phân tích... "Khó khăn hiện nay của nước ta là sự căng thẳng tình hình giữa ta và Trung Quốc tại biển Đông. Trung Quốc vô tư đặt giàn khoan trái phép và hung hãn tấn công những ngư dân Việt Nam. Đó là một trở ngại lớn nhưng trong lịch sử nhân dân ta đã bao lần cần cù, kiên trì, bảo vệ  bờ cõi khỏi giặc xâm lược. Và bây giờ nó như tái hiện thêm một lần nữa. Nhưng ta phải mềm mỏng nhưng cương quyết như cha ông ta đã dạy để bảo vệ Tổ quốc. Em tin với lòng kiên trì bền bỉ và sự quyết tâm, nhẫn nại ta sẽ vượt qua được khó khăn này như câu: "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo". Một lần nữa, em khẳng định rằng với câu tục ngữ này nó có thể sẽ là công cụ tốt nhất và là thứ để thúc đẩy tinh thần của chúng ta vượt qua khó khăn".

Một học sinh lớp 10 Trường THPT Quốc Học góp mặt trong chương trình thơ nhạc
"Hướng về biển Đông" vào chiều 15-5 tại công viên Tứ Tượng bên bờ sông Hương.

Hay trong bài thi, học sinh Nguyễn Ngọc Bảo Chân, lớp 7/10 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu đã viết: ".... Bây giờ tình hình biển Đông của chúng ta cũng rất căng thẳng, tàu của Trung Quốc đã đưa sang Việt Nam. Thế giới cũng đã lên tiếng về hành động này và nhân dân Việt Nam cũng rất phản đối về hành động của Trung Quốc. Dù vậy nhưng khi Tổ quốc cần, thì chúng ta những người dân Việt Nam sẽ đoàn kết bảo vệ vùng biển vốn thuộc chủ quyền Việt Nam...". Cũng với đề thi trên, một học sinh lớp 7/5 Trường THCS Chu  Văn An đã viết: "... Việt Nam chúng ta muốn thế giới có một cuộc sống hòa bình. Có rất nhiều nước ủng hộ Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải vượt lên khó khăn đừng gục ngã. Chúng ta phải cố gắng sống theo câu tục ngữ "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", đừng thấy công việc khó mà bỏ lỡ...".

Tương tự, tại Trường THCS Trần Cao Vân, một số học sinh khi làm bài văn nghị luận để làm rõ ý nghĩa câu tục ngữ trên, cũng đã đưa vấn đề biển Đông vào bài làm... Thầy Chế Quang Hoàng-giáo viên chấm thi nhận xét: "Thực ra, trong đề thi, không hề đề cập đến vấn đề biển Đông. Và, tất nhiên hầu hết các em học sinh đều không đề cập đến vấn đề đó. Tuy nhiên, tôi rất bất ngờ khi một số em đã đưa vấn đề biển Đông vào bài làm. Đó là điều rất quý, rất đáng được biểu dương, khen ngợi. Bởi, lứa tuổi của các em vẫn còn nhỏ, nhưng qua đó đã thể hiện được truyền thống yêu nước, yêu quê hương và quyết tâm giữ vững biển đảo...".

Cũng trong ngày 16-5, Sở GD-ĐT các trường học trên toàn địa bàn tỉnh TT-Huế đã nhận được công văn của Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế nói về tình hình biển Đông và tuyên truyền bảo vệ biển đảo đến các em học sinh. Công văn yêu cầu, các trường học nên tổ chức các chương trình thơ nhạc "Hướng về biển Đông" hoặc là lồng các bài hát về biển đảo, quê hương vào các giờ chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt...

H.Lan