Báo Công An Đà Nẵng

Dubai - Thủ phủ của vàng buôn lậu từ Châu Phi? (Kỳ 1: UAE và vàng Châu Phi)

Thứ hai, 29/04/2019 13:25

Hàng năm, một khối lượng vàng lớn trị giá hàng tỷ USD đang được nhập lậu từ Châu Phi đến Các tiểu vương quốc Arab (UAE) ở Trung Đông - một cửa ngõ vào các thị trường ở Châu Âu, Mỹ và nhiều khu vực khác nữa - một phân tích của Reuters cho thấy.

Theo dữ liệu hải quan, vào năm 2016, UAE đã nhập khẩu vàng trị giá 15,1 tỷ USD từ Châu Phi, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và tăng kỷ lục so với con số 1,3 tỷ USD năm 2006. Tổng trọng lượng là 446 tấn, ở mức độ tinh khiết khác nhau - tăng so với con số 67 tấn trong năm 2006.

Một cửa hàng mua bán vàng ở Dubai, UAE. Ảnh: Getty Images

“Quê hương” của vàng lậu

Phần lớn vàng không được ghi nhận là sản phẩm xuất khẩu của các quốc gia Châu Phi. 5 nhà kinh tế thương mại được Reuters phỏng vấn cho biết, điều này cho thấy một lượng lớn vàng lậu đến từ Châu Phi.

Các báo cáo và nghiên cứu trước đây nhấn mạnh việc buôn bán vàng trên thị trường vàng thu hút tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em và những người không có mối quan hệ với các doanh nghiệp lớn. Không ai có thể đưa ra một con số chính xác về tổng giá trị vàng đang rời khỏi Châu Phi. Nhưng phân tích của Reuters đưa ra ước tính về quy mô. Theo Reuters, khối lượng buôn bán bất hợp pháp được xác định bằng cách so sánh tổng lượng nhập khẩu vào UAE với hàng xuất khẩu được các quốc gia Châu Phi công bố. Các Cty khai thác công nghiệp ở Châu Phi nói với Reuters rằng, họ không xuất khẩu vàng tới UAE – động thái cho thấy, nhập khẩu vàng từ Châu Phi đến từ các nguồn không chính thức khác.

Dữ liệu hải quan do chính phủ cung cấp cho Comtrade, một cơ sở dữ liệu của LHQ, cho thấy UAE là điểm đến hàng đầu của vàng từ nhiều quốc gia Châu Phi trong một số năm. Trong năm 2015, Trung Quốc - nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới - đã nhập khẩu nhiều vàng từ Châu Phi hơn UAE. Nhưng trong năm 2016, năm gần nhất có dữ liệu, UAE đã nhập gần gấp đôi giá trị mà Trung Quốc đã lấy. Với nhập khẩu vàng Châu Phi trị giá 8,5 tỷ USD trong năm đó, Trung Quốc đã đứng thứ hai. Thụy Sĩ, trung tâm tinh luyện vàng thế giới, đứng thứ ba với trị giá 7,5 tỷ USD.

Hầu hết vàng được giao dịch tại Dubai, quê hương của ngành công nghiệp vàng của UAE. UAE đã báo cáo nhập khẩu vàng từ 46 quốc gia Châu Phi trong năm 2016. Trong số các quốc gia đó, 25 quốc gia không cung cấp cho Comtrade dữ liệu về xuất khẩu vàng của họ sang UAE. Nhưng UAE cho biết đã nhập khẩu tổng cộng vàng trị giá 7,4 tỷ USD từ  lục địa đen. Ngoài ra, UAE đã nhập khẩu nhiều vàng hơn từ hầu hết 21 quốc gia khác. Tổng cộng, UAE đã nhập khẩu vàng trị giá 3,9 tỷ USD - khoảng 67 tấn - nhiều hơn những nước nói rằng họ đã bán đi.

Điểm đến số 1

UAE đã nhập khẩu vàng trị giá hàng tỷ USD từ các quốc gia Châu Phi kể từ năm 2006, khi giá vàng tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Frank Mugyenyi, một cố vấn cấp cao về phát triển công nghiệp tại Liên minh Châu Phi (AU), cho biết, có rất nhiều vàng lậu rời khỏi Châu Phi. Cơ quan Hải quan Dubai đang kiếm tiền từ môi trường không được kiểm soát ở Châu Phi. Không phải tất cả sự khác biệt trong dữ liệu được phân tích bởi Reuters nhất thiết phải chỉ ra rằng, vàng khai thác ở Châu Phi bị buôn lậu qua UAE. Sự khác biệt nhỏ có thể dẫn đến chi phí vận chuyển và thuế được khai báo khác nhau, độ trễ về thời gian giữa hàng hóa đến và đi, hoặc đơn giản là lỗi nào đó. Và các nhà phân tích vàng cho biết, một số giao dịch, đặc biệt là từ Ai Cập và Libya, có thể bao gồm vàng đã được tái chế.

Nhưng trong 11 trường hợp, giá trị mỗi ki-lô-gram mà UAE tuyên bố nhập khẩu cao hơn đáng kể so với giá trị được ghi nhận bởi nước xuất khẩu. Điều này, Leonce Ndikumana, một nhà kinh tế học đã nghiên cứu về dòng vốn ở Châu Phi cho biết là một trường hợp kinh điển của xuất khẩu hóa đơn dưới hóa đơn để giảm thuế. Matthew Salomon, một nhà kinh tế người Mỹ đã nghiên cứu sử dụng số liệu thống kê thương mại để xác định dòng tài chính bất hợp pháp, cho biết, vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng. Sự khác biệt dai dẳng trong việc buôn bán hàng hóa cụ thể và giữa các quốc gia cụ thể có thể xác định rủi ro đáng kể của hoạt động bất hợp pháp, ông nói.

Nhập khẩu UAE đánh bại xuất khẩu Châu Á. Năm 2016, UAE đã báo cáo giá trị nhập khẩu vàng lớn hơn nhiều so với mức các quốc gia Châu Phi cho biết họ đã xuất khẩu. Điều này, các nhà kinh tế thương mại nói, là một lá cờ đỏ cho hoạt động bất hợp pháp.

KHẢ ANH