Báo Công An Đà Nẵng

Dubai - Thủ phủ của vàng buôn lậu từ Châu Phi (Kỳ 2: Những hệ lụy)

Thứ ba, 30/04/2019 12:01

Các chính phủ Châu Phi như Ghana, Tanzania và Zambia phàn nàn rằng, vàng hiện đang được sản xuất và buôn lậu ra khỏi đất nước trên quy mô rộng lớn, làm bùng nổ các hoạt động tội phạm và thường gây ảnh hưởng lớn về môi trường và cuộc sống con người.

Những người khai thác vàng (ở giai đoạn đầu tiên) gần Doropo, Bờ Biển Ngà.   Ảnh: Reuters

Các phương thức sản xuất vàng không chính thức, được biết đến trong ngành công nghiệp là thủ công và khai thác quy mô nhỏ, đang phát triển trên toàn cầu. Nó đã cung cấp kế sinh nhai cho hàng triệu người Châu Phi và giúp một số người kiếm được nhiều tiền hơn từ các ngành nghề truyền thống. Nhưng các phương pháp rò rỉ hóa chất vào đá, đất và sông đang gây ra nhiều hệ lụy.

 “Khai thác thủ công bắt đầu như một thử nghiệm mạo hiểm nhỏ. Nhưng kỷ nguyên khai thác cá nhân theo kiểu người Viking đã nhường chỗ cho các hoạt động quy mô lớn và nguy hiểm hơn do các tập đoàn tội phạm nước ngoài kiểm soát”, Tổng thống Ghana, bà Nana Akufo-Addo đã nói như vậy trong bài phát biểu tại một hội nghị khai thác hồi tháng 2.

Ô nhiễm, xung đột và cướp bóc

Các chính phủ Châu Phi như Ghana, Tanzania và Zambia phàn nàn, vàng hiện đang được sản xuất và buôn lậu ra khỏi đất nước của họ trên quy mô rộng lớn, làm bùng nổ các hoạt động tội phạm và thường gây ảnh hưởng lớn về môi trường và cuộc sống con người.

Trong thập kỷ qua, nhu cầu vàng cao đã khiến cho các Cty khai thác không chính thức sử dụng thiết bị đào và hóa chất độc hại để tăng năng suất. Nước nhiễm bẩn được đưa trở lại sông, từ từ đầu độc những người cần nước để sinh sống. Các Cty khai thác quy mô nhỏ từ lâu đã sử dụng thủy ngân - dễ dàng mua với giá khoảng 10 USD cho một lọ có kích thước bằng ngón tay cái - để chiết xuất các vệt vàng từ quặng, trước khi loại bỏ nó. Các tác dụng độc hại của thủy ngân gây ra là rất đáng sợ, bao gồm tổn thương thận, tim, gan, lách và phổi, và các rối loạn thần kinh, chẳng hạn như run và yếu cơ. Các nhà nghiên cứu và thợ mỏ ở Ghana cho biết, cyanide và axit nitric cũng đang được sử dụng trong quá trình này.

Các Cty khai thác công nghiệp cũng chịu trách nhiệm về ô nhiễm, từ sự cố tràn xyanua đến các vấn đề hô hấp liên quan đến bụi do hoạt động khai thác. Nhưng nhiều quốc gia bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Uganda, Chad, Nigeria, Ghana, Tanzania, Zimbabwe, Malawi, Burkina Faso, Mali và Sudan nói nhiều về tác hại của việc khai thác trái phép. Burkina Faso đã cấm khai thác quy mô nhỏ ở một số khu vực nơi Hồi giáo liên kết với Al-Qaeda đang hoạt động. Và đầu tháng này, chính phủ Nigeria đình chỉ khai thác ở bang Zamfara phía tây bắc, cho biết, các báo cáo tình báo cho thấy cái mà họ gọi là “mối quan hệ mạnh mẽ” giữa các hoạt động của kẻ cướp có vũ trang và người khai thác bất hợp pháp.

Do giá tăng cao

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người trong chuỗi hoạt động này đều vi phạm pháp luật.

Những người khai thác vàng, một trong số họ làm việc hợp pháp, thường bán vàng cho người trung gian. Những người trung gian hoặc bán vàng trực tiếp hoặc trao đổi nó qua biên giới vốn rất lỏng lẻo của Châu Phi, che khuất nguồn gốc của nó trước khi các giao thông viên mang nó ra khỏi lục địa, thường trong hành lý xách tay. Ví dụ, DRC là nhà sản xuất vàng lớn nhưng sản lượng vàng chính thức của nó chỉ chiếm một phần trong khi hầu hết được nhập lậu từ nước láng giềng Uganda và Rwanda, Thierry Boliki, Giám đốc CEEC, Cơ quan định giá và đánh thuế các khoáng sản có giá trị cao như vàng và kim cương ở Congo cho biết.

Nhưng giá vàng tăng cao đã thúc đẩy sự bùng nổ tình trạng khai thác vàng trái phép. Ngày nay, vàng giao dịch ở mức hơn 40.000 USD mỗi kg, thấp hơn mức đỉnh so với năm 2012 nhưng vẫn cao gấp 4 lần so với 2 thập kỷ trước. Các nhà đầu tư phương Tây muốn mua vàng để có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình; Ấn Độ và Trung Quốc muốn mua như một món đồ trang sức. Nhưng hầu hết các Cty phương Tây - và các ngân hàng tài trợ cho họ - tránh xử lý trực tiếp vàng phi công nghiệp từ Châu Phi. Họ không sẵn sàng mạo hiểm sử dụng kim loại có thể đã được khai thác để gây quỹ cho xung đột hoặc có thể liên quan đến vi phạm nhân quyền, chẳng hạn như Sudan, DRC. Nhiều thương nhân có trụ sở tại Uganda đã bị xử phạt vì xử lý vàng nhập lậu ra khỏi DRC.

KHẢ ANH