Báo Công An Đà Nẵng

Đức hướng tới điện hạt nhân để ứng phó khủng hoảng năng lượng

Thứ tư, 07/09/2022 11:21
Nhà máy điện hạt nhân Isar 2. Ảnh: Reuters

Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Habeck cho hay, nhà máy Neckarwestheim và Isar 2 (2 trong số 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức) “sẽ được duy trì đến giữa tháng 4-2023 để đề phòng trường hợp cần thiết”. Cả hai nhà máy đều có công suất 1.400 megawatt. Các nhà máy này sẽ được đưa vào “trạng thái chờ” nhằm “sẵn sàng đóng góp thêm sản lượng cho lưới điện ở miền nam nước Đức”, nơi tiến trình phát triển năng lượng tái tạo chậm hơn so với miền bắc.

Nhà chức trách nhấn mạnh cuộc kiểm tra gần đây của các nhà điều hành lưới điện cho thấy Đức có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng điện vào mùa Đông tới trong bối cảnh thị trường năng lượng châu Âu đang bị siết chặt. Bộ trưởng Habeck khẳng định cuộc khủng hoảng cấp điện “cực kỳ khó xảy ra” và Đức có nguồn cung đảm bảo. “Tuy nhiên, Rất khó nói trước chúng ta sẽ gặp phải các tình huống và kịch bản khủng hoảng. Tôi phải làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo đầy đủ nguồn cung”, Bộ trưởng Habeck cho hay.

Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh động thái này không có nghĩa là Berlin từ bỏ lời hứa trước đó về việc loại bỏ năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022. Bộ trưởng Habeck lưu ý hai nhà máy hạt nhân này sẽ không được trang bị nhiên liệu mới. “Chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất. Các nhà máy sẽ chỉ mở cửa khi chúng ta cần thêm điện”, nhà chức trách phát biểu tại buổi họp báo.

Động thái trên dường như không nhận được sự đồng thuận từ các thành viên đảng Xanh của Bộ trưởng Habeck. Các thành viên của đảng này và các đối thủ khác coi năng lượng hạt nhân là một công nghệ có nguy cơ cao tạo ra chất thải phóng xạ sẽ và đè thêm gánh nặng cho thế hệ tương lai.

Dưới thời Thủ tướng Đức Angela Merkel, năm 2011, Chính phủ Đức đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima của Nhật Bản. Tháng 3 vừa qua, Đức đã tiến hành kiểm tra áp lực trên lưới điện và kết luận các nhà máy điện hạt nhân không còn cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, do đó có thể dần loại bỏ chúng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thị trường điện tại nước này bị ảnh hưởng do tình hình xung đột ở Ukraine, trong khi hóa đơn điện tăng vọt một phần do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ngoài ra, đợt hạn hán vào mùa hè khiến các dòng sông tại Đức khô cạn và cản trở vận chuyển than đến các nhà máy nhiệt điện.

Đức đã khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than và lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa đông để đề phòng nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Bộ trưởng Habeck nói Đức không còn đưa nguồn cung của Nga vào các tính toán về an ninh năng lượng của mình, đồng thời tuyên bố "không ngạc nhiên" khi Nga chưa nối lại cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.

AN BÌNH

Châu Âu khó từ bỏ khí đốt Nga trước năm 2027

Trong cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 7, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho rằng châu Âu sẽ không thể từ bỏ khí đốt của Nga trước năm 2027.

“Châu Âu tự tin rằng họ sẽ đạt được mục tiêu đó trước năm 2027. Tình hình giá giao ngay hiện nay chứng tỏ việc từ bỏ khí đốt Nga không hề đơn giản. Châu Âu khó có thể dựa vào bất kỳ nước nào, ngoại trừ Mỹ - quốc gia đang mở rộng quy mô sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)”, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của ông Shulginov cho biết.

Bộ trưởng Năng lượng Nga nói thêm rằng mùa đông sắp tới sẽ chứng minh niềm tin của châu Âu vào khả năng từ bỏ khí đốt của Nga. Điều đó có thể khiến các ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành hóa chất và sản xuất điện bằng khí đốt, phải ngừng hoạt động. Đây sẽ là một cuộc sống hoàn toàn mới đối với người dân châu Âu. Ông Shulginov nhấn mạnh rất có thể châu Âu sẽ không thành công trong việc từ bỏ khí đốt của Nga.

Hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết các nhà lãnh đạo EU sẽ lên kế hoạch nhằm ngừng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga năm 2027. Giới chức EC cũng đã lên kế hoạch giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm nay, bằng cách tìm nguồn cung thay thế, tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ thông qua tăng hiệu suất sử dụng, đồng thời gia hạn hoạt động các nhà máy điện than, điện hạt nhân vốn đã phải đóng cửa.