Báo Công An Đà Nẵng

Đức trở thành “kẻ ốm yếu” trong nền kinh tế châu Âu

Thứ ba, 19/09/2023 08:18
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) trong chuyến thăm nhà máy Neapco Europe ở Duren, Đức, hôm 22-8. Ảnh: AFP

Nền kinh tế lớn duy nhất ở EU suy thoái năm 2023

Nền kinh tế số 1 châu Âu là Đức tiếp tục đình trệ (tăng trưởng 0%) trong quý 3/2023. Theo báo cáo công bố ngày 21-8, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) dự báo tăng trưởng của kinh tế Đức trong quý 3/2023 vẫn sẽ là 0% giống như trong quý 2/2023. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế số 1 châu Âu chỉ tăng trưởng âm và đình trệ trong suốt 1 năm qua. Trước đó, kinh tế Đức đã ghi nhận mức tăng trưởng âm liên tiếp trong quý 4/2022 và quý 1/2023 khi lần lượt giảm 0,4% và 0,1% và rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Ngân hàng trung ương này đánh giá nền kinh tế lớn nhất châu Âu "vẫn còn thiếu động lực" và "tiếp tục trải qua một thời kỳ suy yếu". Lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của Đức, vốn là một động lực tăng trưởng truyền thống, đã chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong những tháng gần đây do xuất khẩu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát cao và hoạt động kinh tế toàn cầu chững lại.

Điểm yếu tiếp theo là nhu cầu từ thị trường nước ngoài tiếp tục thấp, ảnh hưởng mạnh đến một trụ cột kinh tế khác là xuất khẩu. Trong khi hoạt động kinh tế ở Mỹ, một đối tác thương mại lớn của Đức đang trong tình trạng tương đối tốt, ngân hàng lưu ý rằng sự phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của thị trường chủ chốt Trung Quốc đã "nhanh chóng mất đà". Ngoài ra, chi phí đi vay cao hơn do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất nhằm giảm lạm phát cũng sẽ tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực đầu tư và xây dựng của Đức.

Lực đỡ chính hiện nay của nền kinh tế số 1 châu Âu đến từ chi tiêu của các hộ gia đình trong bối cảnh thị trường việc làm ổn định, nhờ chính sách tăng tiền lương và lạm phát giảm đang có xu hướng giảm. Theo Bundesbank, do tiền lương tăng, lạm phát ở Đức hiện đang ở mức 6,5% trong tháng 7/2023 và có khả năng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao trong một thời gian dài trước khi hạ xuống mục tiêu 2% mà ECB đặt ra, bất chấp giá năng lượng đã hạ nhiệt.

Theo dự báo mới nhất vừa được Ủy ban châu Âu công bố, Đức là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu phải đối mặt với sự suy thoái trong năm 2023. EC dự báo, kinh tế Đức năm nay sẽ giảm 0,4%, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với ước tính được đưa ra vào tháng 5. Tổ chức này cũng cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng của Đức vào năm 2024, từ 1,4% xuống 1,1%.

“Kẻ ốm yếu” của châu Âu?

Tháng trước, tờ The Economist đã đăng một bài báo mang tựa đề “Có phải Đức một lần nữa là quốc gia ốm yếu của châu Âu?”. Bài báo đặc biệt chỉ trích nền kinh tế đầu tàu của châu Âu vì tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, tính tự mãn và quan liêu. Tờ báo tài chính của Anh đã kêu gọi Berlin cải cách khẩn cấp cũng như chi thêm ngân sách để tăng cường đầu tư vào phát triển kinh doanh và cơ sở hạ tầng.

Cái tên “quốc gia ốm yếu” bắt nguồn từ thế kỷ XIX, được dùng để mô tả Đế chế Ottoman - là đất nước gặp phải tình trạng trì trệ về kinh tế và công nghệ nặng nề nhất của lục địa này. Khái niệm này một lần nữa được đưa ra vào năm 1998, khi Đức phải đối mặt với những thách thức kinh tế. Và hiện nay, Đức lại được gọi với danh xưng như vậy khi Berlin ghi nhận sản lượng sụt giảm sâu.

Trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag ngày 16-9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng mặc dù nền kinh tế Đức đang suy yếu nhưng không đáng bị gọi là “ốm yếu”. Ông phản đối những lời chỉ trích của The Economist. Theo chính trị gia này, người Đức đã chán ghét cảnh phải gánh những khoản nợ vô tận.

Mặc dù bác bỏ quan điểm cho rằng Đức đang gặp khủng hoảng, ông Scholz thừa nhận nước này đang có tốc độ tăng trưởng yếu. Thủ tướng Đức cho biết Berlin đang nỗ lực hết sức để phục hồi nền kinh tế quốc gia bằng cách đặt cược nhiều vào các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời nhấn mạnh rằng các nhà chức trách sẽ điều chỉnh chính sách để chống khủng hoảng.

EC hôm 11-9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 và 2024 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khi tình hình không mấy tích cực của kinh tế Đức đã tác động đến Eurozone. Cụ thể, EC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone xuống 0,8% từ mức 1,1% được đưa ra hồi tháng 5. Còn với năm 2024, EC cho biết kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,3%, thấp hơn so với dự báo trước đó là tăng trưởng 1,6%. Tỷ lệ lạm phát dự kiến của Eurozone năm nay cũng được điều chỉnh giảm còn 5,6%, vẫn cao hơn lạm phát mục tiêu.

AN BÌNH