Báo Công An Đà Nẵng

Đừng ảo tưởng

Thứ bảy, 30/09/2017 09:28

Bất chấp tiến trình Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - vẫn đang đi đúng hướng, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 29-9 tỏ ra bi quan về tiến độ đàm phán lộ trình này. Nhà lãnh đạo này cho rằng, “sẽ phải có phép mầu” để các cuộc đàm phán Brexit hiện nay đạt đủ tiến bộ cần thiết giúp Anh và EU có thể bắt đầu đàm phán về quan hệ tương lai giữa hai bên vào tháng 10 như mong muốn của London.

Bất chấp những động thái nhượng bộ mềm mỏng hơn từ phía chính phủ Anh thời gian gần đây, các quan chức EU vẫn kiên quyết lập trường cần đạt được thỏa thuận rõ ràng về việc nước Anh rời khỏi khối trước khi có thể cân nhắc thỏa thuận thương mại tương lai giữa hai bên sau Brexit.Tại cuộc họp báo ngày 28-9, quan chức phụ trách đàm phán của EU, ông Michel Barnier cũng cảnh báo, quá trình chuyển tiếp sang giai đoạn hai của các cuộc đàm phán giữa Anh và EU có thể mất “nhiều tháng”.

Trong số các vấn đề cần được giải quyết liên quan đến cuộc “ly hôn” gây tranh cãi này phải kể đến trách nhiệm tài chính mà EU yêu cầu Anh phải hoàn thành, tương lai của các công dân Châu Âu tại xứ sở sương mù sau Brexit, và vấn đề biên giới Ireland. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May lại tỏ ra lạc quan về tiến độ của đàm phán Brexit và cho rằng hai bên đã đạt được tiến bộ “tốt” trong câu hỏi về các quyền pháp lý của công dân Châu Âu tại Anh sau Brexit.

Trong chuyến thăm một căn cứ quân sự của NATO tại Tapa, Estonia cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh còn cam kết hợp tác an ninh với Châu Âu vô điều kiện, ngay cả sau khi Anh hoàn tất tiến trình rời EU. Bà May cũng nhấn mạnh, việc Anh rời khỏi EU không có nghĩa là Anh sẽ rời khỏi Châu Âu.  Bà May có thể có cảm giác vui hơn trong bài phát biểu quan trọng về Brexit vì những thành công trong việc nối lại các cuộc đàm phán ở Brussels về gói “ly hôn” với EU. Trưởng đoàn đàm phán EU, Michel Barnier, đã ca ngợi vòng đàm phán mới về Brexit do những nhượng bộ của bà May mặc dù tiến độ vẫn chưa đủ để cho phép thảo luận về các quan hệ thương mại trong tương lai.

Nhà lãnh đạo Anh dự kiến sẽ nói chuyện với người đồng cấp Đức Merkel và những lãnh đạo khác trong nỗ lực theo đuổi cuộc tìm kiếm thỏa thuận mở các cuộc đàm phán về mối quan hệ gần gũi với khối này. Nhưng có lẽ bà May không nên mong đợi phản hồi trực tiếp và tích cực quá sớm từ lãnh đạo các nước Châu Âu. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, London cần nhượng bộ trong quá trình đám phán trước khi đòi hỏi những thỏa thuận sau “ly hôn”.

THANH VĂN