Báo Công An Đà Nẵng

Đừng để công trình lấn át cảnh quan Lý Sơn

Thứ sáu, 01/09/2017 08:35

Hoạt động du lịch tại Lý Sơn chính thức được khởi động vào năm 2007 khi tỉnh Quảng Ngãi chủ trương mở tuyến du lịch TP Quảng Ngãi – Mỹ Khê – Lý Sơn. Kể từ đó đến nay, lượng khách càng tăng, nếu như năm 2007, Lý Sơn chỉ đón có hơn 2.000 lượt khách thì đến năm 2015 vượt lên 45.000 lượt khách và 8 tháng đầu năm 2017 tăng lên 210.000 lượt khách! Cùng với sự tăng trưởng ở mức gần như “không tưởng” của khách du lịch, hàng loạt công trình đã được xây dựng.

Một góc đảo Lý Sơn.    Ảnh: NGUYỄN LÊ

Những ai từng thăm Lý Sơn đôi ba lần trong khoảng mươi mười năm trở lại đây đều có chung một cảm nhận: Bê-tông ngày càng nhiều lên, cảnh hoang sơ ngày càng ít lại. Những mảng bê-tông lớn, gồm các công trình kè biển, giao thông, xây dựng, nhà ở... đang ngày càng “xâm thực” một mảng không gian của quần đảo này. Nếu mất cảnh giác, không kiểm soát được quy hoạch, xây dựng, thì viễn cảnh “bê-tông hóa Lý Sơn” là điều khó tránh.

Mới đây nhất, ngày 30-8-2017, tại hội thảo “Phát triển du lịch Lý Sơn”, PGS-TSKH Vũ Cao Minh, Viện Địa chất - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khuyến cáo: Trong quy hoạch, Lý Sơn nên chú ý đến quy định về độ lớn và chiều cao công trình để không lấn át cảnh quan, và để tôn chiều cao các miệng, đỉnh núi lửa, các vách đá. Chiều cao công trình cần nhỏ hơn một tỷ lệ nhất định so với núi lửa thấp nhất. Về kiến trúc công trình, chính quyền nên khuyến khích các chủ đầu tư thiết kế theo kiểu dáng được lấy cảm hứng từ núi lửa và biển tạo nên vẻ độc đáo riêng...

Chúng tôi tin rằng, cảnh báo của PGS-TSKH Vũ Cao Minh hoàn toàn có cơ sở và không thừa một chút nào. Trong suốt hàng trăm năm, trải qua tất thảy các biến cố chiến tranh, giặc dã, thiên tai, bão lũ... những công trình ở Lý Sơn vẫn giữ được sắc thái riêng của mình. Nhưng chính trong giai đoạn phát triển hiện nay, khi mỗi cư dân huyện đảo đều có thể làm gì đó để cung cấp dịch vụ cho hàng vạn khách du lịch mỗi năm, thì câu chuyện dường như đã khác. Bởi lẽ, Lý Sơn giờ đây không chỉ là mảnh đất sản sinh ra những người đi biển can trường mà còn là mảnh đất của những người làm du lịch, nền kinh tế địa phương không còn phụ thuộc vào những chuyến ra khơi mà cả những hoạt động dịch vụ.

Cho đến hiện tại, theo cảm nhận của chúng tôi, Lý Sơn vẫn xứng đáng xếp ở vị trí hàng đầu trong số cảnh quan kỳ thú, là nơi có sắc thái văn hóa độc đáo riêng có, là nơi đáng tham quan, du lịch bậc nhất miền Trung. Nhưng làm gì để giữ được hồn cốt Lý Sơn trước làn sóng kinh tế du lịch đang dội mạnh mẽ từ đất liền ra, chắc chắn sẽ là câu hỏi lớn. Thiết tưởng, mỗi sự can thiệp của con người đối với quần đảo, đều phải được cân nhắc kỹ càng. Trong đó, đầu tiên và chắc cũng là dễ thấy nhất, chính là đừng để công trình lấn át cảnh quan, đừng để bê-tông xâm thực quần đảo quý giá này.

NGUYỄN LÊ