Báo Công An Đà Nẵng

Đừng để nghịch lý "bó chân" nhà nông!

Thứ hai, 25/06/2018 20:00

1. Hôm đầu tháng 5 vào công tác Quảng Ngãi đúng dịp vào mùa thu hoạch lúa. Đi qua cánh đồng Bình Sơn, giữa cái nắng như đổ lửa, những người nông dân vẫn cần mẫn phơi, cào, rê lúa giữa đồng. Mồ hôi  đầm đìa trên những gương mặt đen sạm. Mệt nhọc là thế, nhưng chẳng ai tỏ vẻ cau có khi tôi xin phép được chụp hình, hỏi chuyện. Vừa gom lúa lại thành từng đống, ông Hoàng (xã Bình Nguyên) phấn khởi cho biết, vụ đông xuân năm nay được mùa nên ai cũng vui. Điều còn lại là mong bán được giá để không bõ công sức mấy tháng trời chăm bẵm. Vợ chồng ông có hai người con nhưng chẳng ai theo nghề nông. Một người hiện là kỹ sư làm việc ở TP, một người đang làm việc trong nhà máy. "Đời mình cực rồi, phải để con làm theo ý thích của nó cho đỡ cực. Bám vào cây lúa như thế hệ chú, biết lúc nào mới sướng được?"- ông Hoàng  chia sẻ.  Đứng rê lúa gần đó, vợ ông góp lời: "Làm nông cực lắm! Chịu thương, chịu khó, chắt chiu từng chút mới làm ra hạt lúa chứ đâu có dễ. Vì thế mà sắp trẻ bây giờ ít mặn nồng đồng áng, làm nông".

Nông dân Bình Nguyên, Bình Sơn (Quảng Ngãi) chắt chiu từng hạt lúa vàng. Ảnh: P.T

2.   Bao giờ người nông dân mới thôi đối mặt với nghịch lý "được mùa mất giá"? Bao giờ chấm dứt điệp khúc "giải cứu" cho nông sản Việt Nam mỗi khi bước vào vụ mùa thu hoạch? Đấy là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong nhiều năm qua. Vấn đề này cũng đã được các cơ quan chức năng đưa ra bàn bạc, tranh luận tại nhiều cuộc họp chuyên môn cũng như ở nghị trường Quốc hội. Mới đây nhất, tại nghị trường Quốc hội ngày 25-5, vấn đề này lại một lần nữa được các đại biểu đưa ra thảo luận gay gắt. Theo các đại biểu, giải pháp căn cơ cho nền nông nghiệp nước nhà không phải là cứ mỗi lần nông sản rớt giá là lại "giải cứu", là "làm từ thiện" mà cần thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp, kèm theo đó là sự đồng hành của việc đưa công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào trong nông nghiệp. Ngoài vai trò quản lý, định hướng, quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo vùng, dự báo thị trường chính xác giúp nông dân trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, một vấn đề cũng được đặt ra đó là: người nông dân cũng phải không ngừng tự cập nhật thông tin, không nên sản xuất, trồng trọt theo hướng tự phát, cảm tính. Nếu không thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, nông nghiệp Việt Nam sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Và điệp khúc "giải cứu" cho nông sản Việt Nam sẽ không bao giờ chấm dứt. 

3. Liên quan đến câu chuyện cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm kinh tế nông nghiệp bỗng nhớ đến chuyện chàng trai Võ Văn Tiếng (1991) ở xã Thường Thới Tiền, H.Hồng Ngự (Đồng Tháp) quyết định bỏ ngang chuyện học hành, thực hiện một chuyến đi "phượt" khắp đất nước để... tìm con đường lập nghiệp cho riêng mình. Từ chuyến đi đó, chàng thanh niên này đã trở về quê hương, quyết định làm giàu từ việc sản xuất lúa sạch. Trải qua bao vất vả, gian nan, đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, cuối cùng, sự dấn thân của chàng trai 9X đã thành công khi thương hiệu gạo sạch Tâm Việt của Võ Văn Tiếng vang xa, tạo được uy tín đối với người tiêu dùng. Điều đáng trân trọng ở Tiếng chính là khi đã thành công, anh sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm về cách làm kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch cho những người nông dân có chung chí hướng. Bởi theo chàng trai 9X này, đó chính là cách để nông nghiệp Việt phát triển bền vững. Không riêng gì Tiếng, hiện có không ít bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ĐH đã quyết định quay về quê hương, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh ATTP...

 Cùng với việc thấy rõ được nguyên nhân, nêu ra được giải pháp, vấn đề còn lại là cần bắt tay hành động. Đừng để nghịch lý "bó chân" nhà nông. Trong hành trình hướng đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, bền vững, người nông dân cần lắm sự quan tâm, giúp sức, cộng đồng trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực nông nghiệp và của các doanh nghiệp.

Khánh Yên