Đừng để người dân gánh chịu hậu quả
(Cadn.com.vn) - Mới đây, cơ quan chức năng H. Hòa Vang (Đà Nẵng) đã bắt giữ 2 vụ vi phạm quy định về khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn cho thấy, công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn đang có những bất cập cần được chấn chỉnh.
Theo báo cáo của CAH Hòa Vang, qua kiểm tra các phương tiện vận chuyển đất trên tuyến QL14B, lực lượng CAH đã phát hiện 6 ô-tô tải loại 15 tấn dán logo Đạt Phú chở đất màu trắng nghi cao lanh từ H. Hòa Vang đi H. Đại Lộc (Quảng Nam). CAH Hòa Vang cho hay, bằng các biện pháp nghiệp vụ đã xác định ông Trương Phát (1987, trú đường Đào Duy Anh, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) là người khai thác và thuê xe vận chuyển khoáng sản bị phát hiện.
Theo trình bày của ông Phát, số đất trên được khai thác tại khu vực đang thi công Khu Công nghệ cao (xã Hòa Liên) với mục đích chở vào Nhà máy gạch Prime (H. Đại Lộc) để thử mẫu... Do việc khai thác không có giấy phép theo quy định nên CAH tiến hành tạm giữ 6 ô-tô tải trên để tiếp tục xác minh làm rõ.
Đất cao lanh ở thôn Nam Mỹ (xã Hòa Bắc) từng bị khai thác để bán dưới hình thức cải tạo đất. |
Tưởng chừng vụ vi phạm khai thác trái phép đất nghi cao lanh tại xã Hòa Liên là sự việc đơn lẻ, nhưng cũng trong ngày 15-7, Đội CSĐTTPVKT-M.Tr (CAH Hòa Vang) cũng kiểm tra, tạm giữ 3 ô-tô tải (trong đó có 2 xe dán logo CB) khai thác đất cao lanh tại thôn Nam Mỹ (xã Hòa Bắc) do ông Nguyễn Văn Hải (trú P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) thuê vận chuyển. Trước đó, ngày 13-6, Đồn CA Bắc Hòa Vang bắt quả tang 3 ô-tô tải chở đất cao lanh từ khu vực đồi do ông Trần Văn Định (1969, trú Nam Mỹ, Hòa Bắc) làm chủ đi tiêu thụ; Đồn CA Bắc Hòa Vang đã lập biên bản chuyển lãnh đạo CAH xử phạt ông Định 15 triệu đồng.
Được biết, việc khai thác loại đất này không chỉ mới xuất hiện gần đây, mà từ tháng 5-2013 đã có trường hợp người dân thôn Nam Mỹ làm đơn xin cải tạo khu đất đồi trồng cây, nhưng sau đó để cho doanh nghiệp khai thác đất cao lanh... Vì vậy, dư luận lâu nay vẫn đặt câu hỏi, liệu có hay không sự móc nối để đưa nguồn tài nguyên khoáng sản ra ngoài địa phương tiêu thụ? Cho dù thế nào đi nữa, những hành vi vi phạm trên cũng cần được làm rõ và xử lý nghiêm minh.
Đoàn xe chở khoáng sản nghi cao lanh do ông Trương Phát thuê bị CAH Hòa Vang tạm giữ. |
Xâu chuỗi lại các vụ việc cho thấy, dù các cơ quan chức năng trên địa bàn H. Hòa Vang đã tăng cường kiểm tra, xử lý song tình trạng vi phạm Luật Khoáng sản hiện nay vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân dẫn tới thực tế này là do một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng về các quy định liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản.
Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, thường xuyên; xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, dứt điểm, mức xử phạt thấp nên chưa đủ sức răn đe. Có những doanh nghiệp, cá nhân đã "lách luật" bằng cách lập phương án xin cải tạo đất để trồng cây ăn quả như ở xã Hòa Bắc, hoặc nuôi trồng thủy sản như ở xã Hòa Phú, Hòa Phong trước đây để che đậy mục đích khai thác đất sét chở đi bán để hưởng lợi.
Nhằm ngăn chặn và để đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, thiết nghĩ, lãnh đạo H. Hòa Vang cần chỉ đạo các cơ quan, ngành chức năng tăng cường công tác rà soát, kiểm soát tình hình liên quan đến việc khai thác khoáng sản. Song để tài nguyên khoáng sản không bị lãng phí và vấn đề hoàn thổ, bảo vệ môi trường thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với chính quyền địa phương và người dân trong giám sát hoạt động khai khoáng, tránh để tình trạng khai thác xong, doanh nghiệp rút đi, để lại đồi núi, đất canh tác tan hoang, môi trường ô nhiễm và người dân phải gánh chịu hậu quả lâu dài.
An Dương