Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII:

Đừng để phí, lệ phí trở thành gánh nặng cho dân

Thứ bảy, 30/05/2015 08:07

(Cadn.com.vn) - Sáng 29-5, các tổ ĐBQH đã tiến hành thảo luận về dự Luật phí và lệ phí, Luật kế toán sửa đổi. Tuy nhiên phần thảo luận sôi nổi nhất là liên quan đến phí và lệ phí vì còn có nhiều ý kiến khác nhau.

PHẢI PHÂN QUYỀN CHO ĐỊA PHƯƠNG

Đặc biệt các ĐBQH đều cho rằng, với việc quy định như dự thảo luật này thì sẽ cản trở các địa phương và không tuân thủ nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho các địa phương đã được đề cập trong Luật Chính quyền địa phương. Bởi việc quy định danh mục thu phí, lệ phí là do trung ương quyết định sẽ khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện, khi thực hiện thì không sát với thực tế. 

Dẫn chứng cho vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, tồn tại đầu tiên liên quan đến phí và lệ phí là kìm hãm chính quyền địa phương khi không cho địa phương quyết định một số loại phí. “Trong phân quyền chính quyền địa phương thì địa phương có quyền đặt ra một số loại phí. Nhưng tại sao lại trói bằng luật. Nếu chính quyền địa phương đặt ra lệ phí, phí không phù hợp bị dân phản ứng thì QH có quyền xem xét bãi bỏ chứ có gì đâu mà sợ”, ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Trần Du Lịch thì bản chất phí và lệ phí là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, trong dự luật cần phải rạch ròi, phải tách riêng ra. Ngoài ra, luật còn chưa quy định cụ thể cho việc thu phí khu vực công và tư. “Luật này chỉ quy định phí khu vực công mà không quy định tư nhân. Vậy phí do doanh nghiệp tự quyết thì phải làm sao. Ví dụ bệnh viện công thì Nhà nước quyết nhưng bệnh viện tư thì ai quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tư và công, bên quy định bên không thì phải như thế nào”, ĐB Trần Du Lịch băn khoăn.

Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, về việc thu phí, lệ phí thì nên cho HĐND địa phương một dư địa để quyết định, chứ để trung ương quyết hết thì không ổn. Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, bây giờ không có dư địa nào cho các địa phương để thu một số loại phí phù hợp với địa phương cả. ĐB Tâm nói, phí và lệ phí là lĩnh vực phân cấp dễ nhất mà không làm được nữa thì các lĩnh vực khác cũng sẽ không làm được.

“Tôi đề nghị loại phí nào nộp về trung ương thì do trung ương quy định, loại phí nào cho địa phương giữ thì địa phương có quyền quyết định mức thu và sử dụng” - ĐB Tâm nói.

ĐB Trần Hoàng Ngân thảo luận tại tổ TPHCM. Ảnh: L.H.S

CẦN RÀ SOÁT PHÍ ĐƯỜNG BỘ

Về vấn đề thu phí bảo trì đường bộ cũng được rất nhiều đại biểu nêu ra. Theo đó, các đại biểu cho rằng, Bộ Tài chính nên rà soát lại để có thể loại bỏ loại phí này được thì nên loại bỏ. ĐB Nguyễn Văn Minh nói : “Báo chí đang có ý kiến xem lại phí bảo trì đường bộ như thế nào để cho hợp lý. Tuy nó không nhiều nhưng nó tác động đến cả một hệ thống Nhà nước và người dân. Bởi khi đưa ra xin ý kiến về loại phí này các đại biểu không đồng tình”.

ĐB Minh cũng yêu cầu, phải giao cho HĐND thẩm quyền về việc quyết định một số loại phí, lệ phí và chịu trách nhiệm về vấn đề này trước người dân. “HĐND thì đủ các cấp, đại diện cho người dân nhưng anh lại không có toàn quyền quyết định mà quyền thì cấp trên, phải xin, xin rồi mình cũng không được quyết”, ĐB Minh trăn trở.

ĐB Trương Thị Ánh lại cho rằng, xe gắn máy, gắn kết với cuộc sống của người nghèo có khi xe chỉ vài trăm đến vài triệu bạc mà vẫn phải đóng phí thì có hợp lý không? “Đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại để khi ban hành thì phù hợp với thực tế khả thi”, ĐB Ánh góp ý.

ĐB Trần Hoàng Ngân lại đắn đo vì đưa loại học phí và viện phí ra khỏi luật phí và lệ phí để quy định trong luật về giá. “Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét chuyển đổi có quy trình bước đầu chuyển học phí đại học sang luật giá, còn bậc trung học phổ thông thì phải theo luật phí và lệ phí”, ĐB Ngân nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Minh cho hay, về học phí đối với học sinh phổ thông thì đưa vào luật phí và lệ phí. Lý do là đối tượng cần sự đầu tư của Nhà nước. Đối với trường công lập phải đưa vào phí để đảm bảo nhu cầu học tập của các em, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước.

TRÁNH TẠO RA GÁNH NẶNG CHO DÂN

Tham gia thảo luận Luật Phí, lệ phí; Trung tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho biết: Theo Nghị định số 24 của Chính phủ thì hiện nay  có 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí, nhưng nếu tính cả các loại phí, lệ phí trong các văn bản luật chuyên ngành thì có đến 432 khoản. Do đó, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cụ thể các khoản phí, lệ phí và quy định ngay trong luật này nhằm bảo đảm tính minh bạch, tránh tình trạng tùy tiện, lạm thu, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

ĐB đề nghị luật cần quy định theo hướng, tất cả các khoản thu phí, lệ phí đều phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Còn các khoản chi cho tổ chức thu sẽ do ngân sách Nhà nước bảo đảm và bố trí trong dự toán chi của đơn vị. Vì nếu cho phép cơ quan, tổ chức thu phí, lệ phí được để lại một phần theo tỷ lệ phần trăm trên số tiền thu được để trang trải các chi phí, phần còn lại mới nộp ngân sách Nhà nước sẽ tạo ra nguy cơ thu tùy tiện, lạm thu, không đảm bảo kỷ luật ngân sách, nhất là trong điều kiện chúng ta chưa khắc phục được tình trạng lỏng lẻo trong kiểm tra, kiểm soát đối với việc tổ chức thu, quản lý, sử dụng các loại phí, lệ phí hiện nay.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu phí, lệ phí cụ thể sao cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đồng thời, ĐB đề nghị bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thu một số loại phí, lệ phí ngoài danh mục.

Lê Hoàng Sa - Phạm Hữu Hoa