Báo Công An Đà Nẵng

Đừng mượn gió bẻ măng?

Thứ hai, 25/12/2017 08:06

Vụ việc cơ quan công an khởi tố và truy nã bị can Phan Văn Anh Vũ (thường gọi là Vũ "nhôm") đang là câu chuyện nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước.

Cũng dễ lý giải thôi, vì ông Vũ vốn là một doanh nhân được đánh giá có tầm ảnh hưởng rất lớn trong giới kinh doanh bất động sản, và những lô đất công sản được ví là đất “kim cương” mà ông từng sở hữu hiện đang trong diện thanh tra, điều tra của các cơ quan chức năng. Kể từ thời điểm đó đến khi ông Vũ bị khởi tố và truy nã, đặc biệt là tại các cuộc tiếp xúc cử tri và kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, vấn đề trách nhiệm của chính quyền trước câu chuyện này thường xuyên được đưa ra. Thậm chí đã có những ý kiến chất vấn liệu có hay không chuyện chính quyền bị doanh nghiệp thao túng?

Những sai phạm ở Đà Nẵng đã được kết luận. Tổ chức, cá nhân có liên quan cũng đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và chịu hình thức xử lý nghiêm khắc.  Có thể nói, sau những khó khăn, Đà Nẵng đã nhanh chóng phục hồi, trở lại quỹ đạo, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển với việc đạt và vượt nhiều chỉ số đã đề ra. Đại bộ phận người dân đã có một niềm tin vững chắc rằng, vượt qua sóng gió, thách thức, thành phố sẽ trở lại mạnh mẽ hơn nữa. Những ý kiến chất vấn cũng là để xây dựng thành phố tốt hơn.

Nhưng lấy câu chuyện ông Phan Văn Anh Vũ đã bị khởi tố, phát lệnh truy nã mà cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành các thủ tục theo quy định để “móc” vào câu chuyện doanh nghiệp đứng trên pháp luật, coi thường chính quyền và lái nó bằng một động cơ khác thì liệu có ổn không? Và từ câu chuyện này quy chụp trách nhiệm lên người đứng đầu chính quyền thành phố với suy nghĩ và lời lẽ chủ quan, liệu có sống sượng quá không? Người viết đọc được một bài báo đặt vấn đề ở Đà Nẵng doanh nghiệp đứng trên pháp luật, để đưa ra kết luận: dư luận phải giật mình vì sự lộng quyền của các doanh nghiệp sống bằng thế lực, bảo kê, dung túng từ chính quyền. Thậm chí võ đoán rằng, gần như một điều đang hiển nhiên tồn tại trong thời gian gần đây chính là chuyện doanh nghiệp phất lên nhờ quan hệ, tiền tệ, sử dụng những chiêu trò để đạt được lợi ích; và chính quyền để doanh nghiệp cậy thế cậy quyền, cậy “bề trên” đòi phạt rụng chức của lãnh đạo. Từ chỗ nói gần nói xa, có bài báo đã chỉ đích danh trách nhiệm để doanh nghiệp “lộng quyền” không ai khác là người đứng đầu chính quyền thành phố!?

Một chính quyền thực sự mạnh, chắc chắn sẽ là sự hợp sức của rất nhiều yếu tố. Bên cạnh sự lèo lái, quyết liệt của bộ máy lãnh đạo điều hành, các đơn vị thực thi và sự vào cuộc mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân thì doanh nghiệp với nguồn lực của mình cũng sẽ không đứng ngoài cuộc. Đã có thời, mối quan hệ chính quyền – doanh nghiệp trở thành vấn đề “nhạy cảm”. Giờ đây nhìn nó với ánh mắt cởi mở trong việc xã hội hóa, huy động nguồn lực cho sự phát triển thì cả hai đều cần nhau. Nhưng cần nhau không có nghĩa là phụ thuộc nhau, lụy nhau theo hướng doanh nghiệp có thể đứng trên pháp luật để thao túng chính quyền. Xét một cách biện chứng thì những cơ chế, chính sách, hoạch định của chính quyền sẽ tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển. Ở đâu có cơ chế đột phá, cải cách hành chính nổi bật thì ở đó doanh nghiệp hưởng lợi. Và Đà Nẵng rõ ràng là một điểm sáng nổi bật trong nhiều năm qua trong hỗ trợ doanh nghiệp. Chiều ngược lại, các dấu ấn về kiến trúc, hạ tầng, những dự án tầm cỡ định hình trên địa bàn thành phố không ai khác là do sức khỏe của doanh nghiệp mang lại.

Câu chuyện đập bàn đập ghế đòi dự án, nếu không được sẽ cho lãnh đạo mất chức, người ta chỉ truyền tai nhau thế thôi, chính xác đến đâu mà đưa nó lên báo? Với lại, lãnh đạo thành phố trong các cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri luôn khẳng định rằng, áp lực cá nhân có thể có, nhưng không bao giờ nằm trên lợi ích chung của thành phố này. Chính quyền là do dân, vì dân, chứ không phải để phục vụ nhóm lợi ích cá nhân hay để doanh nghiệp điều khiến. Có thể có những kẽ hở trong quản lý, điều hành dẫn đến các sai phạm như đã xảy ra, nhưng ở Đà Nẵng, chuyện chính quyền dung túng doanh nghiệp chắc chắn không thể xảy ra, lại càng không thể “dưới cơ” đến mức để doanh nghiệp qua mặt lộng hành!

Trong một năm đầy sóng gió, thách thức của Đà Nẵng, những cá nhân, tổ chức có sai phạm đã tự kiểm điểm và bị xử lý. Việc quy chụp, hằn học chỉ trích tập thể tổ chức hoặc cá nhân người đứng đầu thành phố nếu bằng động cơ thiếu trong sáng sẽ là vô cùng sống sượng và lộ liễu. Sau những khó khăn, thành phố đã cán đích năm 2017 với nhiều thành tựu nổi bật, và đang rất cần sự cộng hưởng, chung sức, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân bước vào một năm 2018 đầy hứa hẹn. Xin đừng làm tổn thương thêm một Đà Nẵng đồng thuận và đã vượt qua bao gian khó để có được ngày hôm nay.

CÔNG KHANH