Báo Công An Đà Nẵng

Dựng nhà dài Ê Đê làm du lịch

Thứ bảy, 29/12/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Tâm huyết và mong muốn bảo tồn nhà dài và văn hóa của người Ê Đê, 26 nữ doanh nhân chung tay góp vốn dựng lên một khu du lịch với điểm nhấn là ngôi nhà dài Ê Đê đúng truyền thống, từ thiết kế cho đến nguyên vật liệu ngay tại buôn Ko Tam, P. Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc.

Nhà dài đúng chất Ê Đê

Ngắm nghía ngôi nhà dài đang thành hình từng ngày, đôi mắt bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, người khai sinh ra ngôi nhà dài này, rạng rỡ, môi nở nụ cười tươi thắm khi đứa con tinh thần, với bao tâm huyết sắp được hoàn thành. “Tổng công trình sư” của ngôi nhà là ông Đàng Năng Long, cũng là một người tâm huyết với nhiều năm kinh nghiệm dựng nhà dài Ê Đê. Ngôi nhà có chiều dài 50 m, rộng 8 m, làm từ gỗ cà chít và tre, lợp bằng lá tranh. “Ngày trước, người Ê Đê làm nhà từ cây gỗ trong rừng, với cây rìu, đôi bàn tay và khối óc. Muốn dựng nhà theo đúng truyền thống Ê Đê thì cũng phải làm như vậy. Trụ được đẽo thành hình đa giác tròn, không làm nhẵn bóng. Trụ phải to hơn xà dọc, xà dọc to hơn xà ngang. Người Ê Đê không làm mộng như người Kinh, mà các xà dọc, xà ngang đặt lên trụ và lên nhau một cách tự nhiên, được liên kết bằng chính sức nặng của thanh gỗ. Sàn nhà làm bằng ván nếu có điều kiện, hoặc bằng tre nứa, vách thưng bằng nứa. Trong các công đoạn thì việc lợp mái tốn nhiều công sức và vất vả nhất. Ngôi nhà này sử dụng 991 bó tranh, lớp tranh dày nhất chồng lên nhau đến 0,5 m. Ngôi nhà gắn bó và có tuổi thọ ngang với một đời người nên mái phải lợp thật dày. Cầu thang lên nhà được đẽo từ gỗ nguyên khối, phía trên tạc hai bầu vú phụ nữ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ của người Ê Đê. Việc dựng nhà cũng quan trọng, bằng sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các người thợ, tránh mọi hiềm khích xảy đến.

Toàn cảnh ngôi nhà dài đang thành hình. 

Các nghi lễ khi dựng nhà cũng được tiến hành theo lễ thức của người Ê Đê, từ khi xin đất với thần linh để dựng trụ cho đến khi dựng tượng tranh trên nóc để giữ nhà, báo cho thần linh, ma quỷ biết rằng ngôi nhà đã có chủ nhân... Ngôi nhà chưa hoàn thành nhưng niềm vui chất chứa trong lòng biết bao người. Già làng buôn Ko Tam Y–Nguê Mlô vui cái bụng lắm từ khi nghe tin ngôi nhà dài này được khởi công xây dựng. “Ngôi nhà này đúng là một công trình kỳ công, đúng với nhà truyền thống của Ê Đê, gợi nhớ ký ức xa xưa. Nhà dài Ê Đê thể hiện tinh thần đoàn kết trong gia tộc, trong buôn. Khi một gia đình dựng nhà thì cả buôn góp công góp sức. Khi nhà hoàn thành thì mỗi nhà góp một ché rượu để mừng gia chủ. Cả buôn vô cùng vui vẻ, phấn khởi”, già làng Y–Nguê nói. 

 Bên trong ngôi nhà dài sẽ trưng bày các hiện vật liên quan đến đời sống người Ê Đê.

Mang lợi ích đến với cộng đồng

Từ năm 10 tuổi, cô gái Ngọc Anh theo gia đình chuyển đến sinh sống tại buôn Ko Tam, bây giờ thuộc P. Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột. 47 năm sinh sống, gắn bó với mảnh đất, con người ở đây, văn hóa đặc sắc của người Ê Đê bản địa dần ăn sâu vào máu của bà. Bà Ngọc Anh cũng trải qua nhiều chức vụ trong chính quyền địa phương, từ cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ đến chủ tịch, bí thư xã Hòa Đông (cũ). Rời chức vụ chính quyền, bà Ngọc Anh vẫn đau đáu, trăn trở phải làm gì đó  để gìn giữ bản sắc văn hóa của người Ê Đê. Từ đó, bà đã cùng với nhiều chị em thành lập Khu du lịch Ea Ko Tam.

“Muốn bảo vệ văn hóa dân tộc tồn tại lâu dài thì chỉ có cách phải gắn văn hóa đó với du lịch”, bà Ngọc Anh quan niệm. Nét đặc biệt và nổi bật nhất trong Khu du lịch Ea Ko Tam là ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê, được xây dựng theo đúng truyền thống, từ thiết kế đến nguyên vật liệu. Ngôi nhà khắc họa những ký ức từ ngàn đời của người Ê Đê bằng việc trưng bày các hiện vật liên quan đến đời sống người Ê Đê, như ghế Kpan, trông Hgơr, chiêng ché, bếp lửa, khung cửi... Mở rộng ra ngoài không gian ngôi nhà, khu du lịch còn tạo dựng bến nước, vườn cây, mô phỏng cuộc sống kinh tế của người dân. “Chúng tôi đưa du khách đến với người dân. Du khách ăn ở, làm việc với người dân. Qua đó, người dân có thêm thu nhập từ chính văn hóa đặc sắc của họ. Đồng thời, nông sản làm ra được bán lại cho khách du lịch”, bà Ngọc Anh nói.

Mặc dù luyến tiếc với truyền thống, nhưng do điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, văn hóa giao thoa nên nhà dài ngày càng vắng bóng. Bản thân gia đình già làng Y Nguê cũng ở trong một ngôi nhà xây khang trang, vững chãi. Cả buôn Ko Tam có 502 hộ nhưng chỉ còn lại 11 nóc nhà truyền thống. “Bây giờ nguyên vật liệu không có, làm một ngôi nhà dài đắt gấp 3 lần nhà xây, nên bà con đành phải chấp nhận ở nhà xây”, già làng Y–Nguê buồn nói. Cũng chính lý do đó nên việc dựng một ngôi nhà dài truyền thống Ê Đê nói trên đã đón nhận được sự ủng hộ hết lòng của bà con người Ê Đê.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắc Lắc, đến hết năm 2011, toàn tỉnh Đắc Lắc còn lại hơn 2.600 ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê. Tuy vậy, nhiều trong số này chỉ còn mang hình dáng nhà dài, chứ nguyên vật liệu được dựng bằng bê-tông, lợp tôn. Kinh tế xã hội thay đổi khiến văn hóa bản địa mờ nhạt bản sắc, việc dựng một ngôi nhà dài gắn với bảo tồn văn hóa của người Ê Đê bản địa là một việc làm hết sức ý nghĩa.

Hoàng Táo