Báo Công An Đà Nẵng

Dung Quất đón làn sóng đầu tư mới

Thứ bảy, 13/12/2014 12:19

(Cadn.com.vn) - Sau một thời gian dài im ắng trong thu hút đầu tư vì chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi) đã có những tín hiệu khả quan từ các dự án đầu tư mang lại trong năm 2014.

Với việc quy hoạch cục bộ VSIP Quảng Ngãi thuộc KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) đang là địa phương có những dự án đầu tư sôi động so với các địa phương khác trong năm 2014. Ảnh: HÀ MINH

NHIỀU NHÀ ĐẦU TƯ QUAN TÂM

Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng BQL KKT Dung Quất ghi nhận trong năm 2014, tình hình xúc tiến đầu tư vào Dung Quất được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư ngoài nước thông qua các hoạt động như tham gia hội thảo xúc tiến các dự án (DA) công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp chất lượng cao tại Nhật Bản, cùng Công ty Doosan Vina tổ chức Đoàn cấp cao xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KKT Dung Quất: Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Cty VIJAGAS (Nhật Bản), Cty Sanyi Resources Pte Ltd (Singapore), Tập đoàn Mitsui và Công ty Tedi Port, Tập đoàn Hanes Brand (Mỹ), Hanvina (Hàn Quốc) và một số Tập đoàn lớn trong nước…

Sau khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ngãi, nhiều doanh nghiệp nước ngoài thể hiện quyết tâm triển khai DA có quy mô lớn tại KKT Dung Quất thuộc các ngành, lĩnh vực nhiệt điện, điện - khí, bột giấy… như JETRO, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn JK (Ấn Độ).

Điểm sáng trong thu hút đầu tư vào Dung Quất là 2 dự án trọng điểm đang được khởi động có tổng vốn khoảng 4 tỷ USD (Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất có vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD và dự án mở rộng, nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư dự kiến từ 1,8-2 tỷ USD). Tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác lập tiến độ đầu tư DA nâng cấp, mở rộng NMLD lên 9-10 triệu tấn/năm, dự kiến năm 2017 sẽ khởi công xây dựng.

Trong khi đó, DA nhà máy Nhiệt điện Dung Quất do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Điện VII và cho phép đầu tư theo hình thức BOT và hiện Sembcorp đã ký hợp đồng với Cty Tư vấn Điện 1 (thuộc EVN) để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của DA. Đồng thời, chủ đầu tư tiến hành đàm phán các hợp đồng đầu tư BOT, Bảo lãnh tài chính, bảo lãnh nguồn than nhập khẩu, Hợp đồng thỏa thuận giá bán điện…

Đến nay, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút 9 DA đầu tư 100% vốn nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 200 triệu USD. Trong số này, 3 DA đang đẩy nhanh tiến độ thi công và dự kiến các nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo thống kê của BQL KKT Dung Quất, đến nay có đến 23 dự án chậm tiến độ thi công, trong đó có nhiều dự án với vốn đầu tư lớn nhưng không còn khả năng tiếp tục thực hiện. Điển hình như dự án Kumwoo – Dung Quất (dự án công nghiệp nặng), có diện tích 6,5ha, vốn đầu tư 15 triệu USD nhưng 3 năm nay, dự án vẫn chỉ là khu đất trống.

Ông Lê Văn Dũng - Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất cho biết “Các dự án chậm tiến độ đều rơi vào loại dự án hoạt động dịch vụ và bất động sản. Việc chậm tiến độ của các dự án này có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, đó là yếu tố thị trường, do tình hình phát triển công nghiệp bị chậm lại nên kéo theo nhu cầu kinh doanh cũng hạn chế. Về chủ quan, trong số các dự án chậm tiến độ có dự án bị vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, vướng về thủ tục sử dụng đất. Nhiều dự án liên quan đến đất lúa, rừng đặc dụng hay rừng sản xuất… nên công tác giải phóng mặt bằng phải trải qua nhiều công đoạn, dẫn đến chậm trễ tiến độ dự án. Mặt chủ quan nữa là do năng lực của nhà đầu tư không được đảm bảo, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế”.  

Trước tình hình xử lý và tháo gỡ những dự án chậm tiến độ hay không có khả năng tiếp tục thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn thì việc thu hút đầu tư và cấp phép các dự án trong thời gian tới đơn vị chức năng cần phải có sự tính toán và chiến lược lâu dài hơn. Có vậy Khu kinh tế Dung Quất mới thật sự vững bền trong tương lai.

Văn Nam

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH DUNG QUẤT

Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, kiêm trưởng BQL KKT Dung Quất cho biết: “Để “rộng đường” cho Quảng Ngãi đón các nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư ngành công nghiệp nhẹ vào khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), mới đây, Chính phủ đã chấp thuận nguyên tắc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất. Sự chấp thuận này dựa trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi và Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi về mở rộng quy mô khu công nghiệp giai đoạn I từ 458ha lên 660ha”.

Được biết, việc điều chỉnh cục bộ này nằm trong quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2025 về định hướng quy hoạch đất cây xanh, đất sinh thái nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, đất mặt nước, đất ở nông thôn với diện tích hơn 201,7 ha thành đất công nghiệp, tăng diện tích đất khu công nghiệp tại khu vực Tịnh Phong từ 600 ha lên hơn 800 ha. Về dài hạn, dự kiến tăng diện tích đất công nghiệp lên gần 1.400 ha, trong đó khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi hơn 1.200 ha.

Để thực hiện các dự án, tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện cuộc di dời dân quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lớn hơn nhiều so với việc di dân để xây dựng NMLD Dung Quất và các dự án hiện hữu. Dự tính, sẽ có khoảng 2.500 hộ dân trên địa bàn phải di dời để nhường đất xây dựng các dự án lớn (suốt 18 năm qua, Dung Quất “chỉ mới” di dời tổng cộng 1.800 hộ dân). Cả hai dự án này gần như triển khai trong cùng thời gian khi cả hai dự án đều phải được bàn giao đất sạch trước tháng 6 năm 2016.

BQL KKT Dung Quất hiện đang khẩn trương hoàn thành kế hoạch tổng thể bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đồng thời, đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí và cho ứng trước để thực hiện di dời dân đáp ứng theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Hà Minh