Báo Công An Đà Nẵng

Dung Quất đón vận hội mới

Thứ bảy, 14/09/2013 13:22

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-9, Quảng Ngãi cùng lúc đón hai sự kiện đặc biệt quan trọng: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến dự lễ khởi công dự án Khu liên hợp công nghiệp-đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đô thị và Công nghiệp Việt Nam –Singapore (VSIP Group) tổ chức và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo, đồng thời đưa ra những quyết sách táo bạo, đột phá phát triển toàn diện tỉnh Quảng Ngãi.

Có thể cảm nhận rất rõ sự sôi động, sức hút mãnh liệt đã mở ra vận hội mới về tương lai thịnh vượng của vùng đất Dung Quất nói riêng và miền Trung nói chung.

Khởi công dự án VSIP Quảng Ngãi

Đến dự lễ khởi công sáng 13-9, ngoài Thủ tướng hai nước, còn có  nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư và địa phương hai nước Việt Nam và Singapore, cùng đông đảo người dân trên địa bàn.

Khu liên hợp công nghiệp-đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi là dự án khu công nghiệp VSIP thứ 5 tại Việt Nam (VSIP Group đã đầu tư 4 dự án VSIP tại tỉnh Bình Dương, tỉnh Bắc Ninh và TP Hải Phòng). Dự án có tổng diện tích được quy hoạch lên đến 1.120ha, tổng vốn đầu tư cho dự án gần 400 triệu USD, trong đó, gồm 600ha đất công nghiệp tại H. Sơn Tịnh và 520 ha đất đô thị và dịch vụ gần trung tâm TP Quảng Ngãi.

Trong tương lai, quy hoạch tổng thể dự án được mở rộng thêm 626ha đất công nghiệp. Giai đoạn đầu tiên, dự án tập trung phát triển 160 ha đất công nghiệp và 100 ha đất đô thị và dịch vụ. Dự án thứ năm VSIP Quảng Ngãi đã nâng tổng quỹ đất VSIP đang phát triển lên khoảng 6.000 ha và đưa VSIP Group trở thành nhà phát triển khu phức hợp công nghiệp và đô thị lớn nhất Việt Nam. Tính đến nay, VSIP Group đã thu hút được 490 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư lên đến 6,4 tỷ USD, tạo việc làm cho 140.000 lao động. Năm 2013, VSIP được tạp chí Euromoney vinh danh là “Nhà phát triển khu công nghiệp tốt nhất tại Việt Nam”.

Tại buổi lễ khởi công, 3 nhà đầu tư đầu tiên đến với VSIP Quảng Ngãi đã được trao giấy chứng nhận đầu tư: Cty URC Central của Philippines tổng vốn 35 triệu USD, Cty King Riches Footwear Việt Nam (Tập đoàn Kingmaker Footwear) vốn 20 triệu USD, Cty dệt may Hebei Xindadong của Trung Quốc cam kết đầu tư xây dựng một nhà máy dệt may với quy mô vốn đầu tư 60 triệu USD. Khi đã hoàn thành và đi vào hoạt động, dự kiến 3 nhà máy này sẽ tạo ra khoảng 11.000 việc làm cho người lao động. Ngoài ra, có hai Công ty của Philippines và Singapore cũng đã ký Thư ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm và thiết bị lạnh hàng hải tại VSIP Quảng Ngãi. Nhân dịp này, Tập đoàn Sembcorp, Công ty LD VSIP và UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã công bố thành lập Dự án nước sạch Sembcorp-VSIP giai đoạn 1 với quy mô cung cấp nước sạch cho 14.000 người thuộc 10 xã tại huyện Sơn Tịnh và Bình Sơn.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.                          Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

VSIP là biểu tượng quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Singapore

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng và phấn khởi cùng Thủ tướng Lý Hiển Long tham dự lễ khởi công VSIP thứ 5 tại Quảng Ngãi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Sự kiện khởi công VSIP tại Quảng Ngãi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược. Nhân dân Việt Nam và Quảng Ngãi rất mong chờ khởi động dự án ngay từ khi biết lãnh đạo cấp cao hai nước đàm phán, đồng ý triển khai.

Các VSIP, từ khi thiết lập lần đầu tiên ở Bình Dương năm 1996 đã nhanh chóng trở thành thương hiệu và biểu tượng của hợp tác kinh tế thành công, hiệu quả giữa hai nước, là điểm nhấn phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong suốt 17 năm qua. Đặc biệt, việc Tập đoàn Sembcorp quyết định chọn Quảng Ngãi là nơi phát triển VSIP thứ 5, mở rộng mô hình này ra cả ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo thêm động lực cho phát triển, giải quyết việc làm cho người dân Quảng Ngãi và miền Trung”. Thủ tướng cũng khẳng định, VSIP Quảng Ngãi là bước khởi đầu tốt đẹp, cần ưu tiên ứng dụng KHCN, quản lý tiên tiến, đi đôi đảm bảo môi trường và an sinh xã hội cho người dân.

Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Singapore và nước ngoài, cũng như tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tạo huyết mạch giao thông mới kết nối chuỗi đô thị, khu công nghiệp dọc các tỉnh vùng duyên hải miền Trung Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng rằng, với nỗ lực chung của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, VSIP 5 tại Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thành công, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược gắn bó, tin cậy và hiệu quả giữa hai nước Việt Nam-Singapore.

Vui mừng được có mặt tham gia động thổ khởi công VSIP Quảng Ngãi, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, các KCN Việt Nam –Singapore là biểu tượng vững chắc của quan hệ hợp tác kinh tế tốt đẹp giữa hai nước. Các VSIP đã tập hợp nguồn nhân lực và đất công nghiệp rộng lớn của Việt Nam và kinh nghiệm của Singapore về quản lý khu công nghiệp và các giải pháp cơ sở hạ tầng tổ hợp đô thị. “Các VSIP đã hoạt động hết sức thành công, góp một phần nhỏ vào sự tăng trưởng và chuyển mình của Việt Nam.

Các VSIP đã góp một phần nhỏ vào sự tăng trưởng và chuyển mình của Việt Nam. VSIP Quảng Ngãi sẽ mang lại một chuẩn mực mới về chất lượng cơ sở hạ tầng và môi trường. Khu đất trống mà chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay sẽ nhanh chóng nhộn nhịp khi khu công nghiệp bắt đầu hoạt động, đi liền và được bổ trợ bởi một khu tổ hợp thương mại và dân cư phía nam Quảng Ngãi. VSIP sẽ góp phần vào sự sôi động của Quảng Ngãi với các nhà máy nhộn nhịp, nhà ở tiện dụng và một môi trường sống lành mạnh”-Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh, đồng thời mong muốn hai bên cùng nhau hiện thực hóa những tiềm năng to lớn, mang lại sự tiến bộ và thịnh vượng cho cả hai dân tộc.

Thủ tướng Lý Hiển Long tham quan mô hình VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: QUANG SANG

Điểm sáng Quảng Ngãi

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình KT-XH 8 tháng đầu năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cho biết, dấu hiệu phục hồi kinh tế của tỉnh là hết sức khả quan. GDP tăng trưởng cao, nguồn thu ngân sách tăng đáng kể, nếu Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định sẽ là nền tăng ổn định nguồn thu, nhiều khả năng đạt và vượt chỉ tiêu so với năm 2012.

Để Quảng Ngãi khai phóng hết tiềm năng phát triển, Bí thư Võ Văn Thưởng kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết hỗ trợ 3.720 tỷ đồng từ nguồn thu từ Nhà máy lọc dầu để đầu tư 3 dự án trọng điểm gồm tuyến đường Tịnh Phong-Cảng Dung Quất II, đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh và dự án cảng Bến Đình (Lý Sơn), cũng như xem xét, phê duyệt đề án xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc QP-AN. Đặc biệt, đề nghị Thủ tướng cho phép phân chia giữa T.Ư và địa phương đối với toàn bộ nguồn thu thuế GTGT các sản phẩm đầu ra Nhà máy lọc dầu theo như tờ trình của tỉnh tạo điều kiện cho Quảng Ngãi chủ động đầu tư phát triển bền vững và chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác sớm triển khai nâng cấp, mở rộng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm...

Đánh giá chuyển động tích cực của Quảng Ngãi cả năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận: Trong bối cảnh khó khăn chung, Quảng Ngãi chính là điểm sáng nổi bật với những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực KT-XH, QP-AN. So với 5-7 năm trước, Quảng Ngãi đã thay đổi hẳn diện mạo mới. Dáng dấp một trung tâm công nghiệp-dịch vụ của miền Trung với động lực Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang định hình, có sức lan tỏa mạnh, kéo  bật quy mô, sức tăng trưởng, cơ cấu kinh tế hiện đại, đúng định hướng. Tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn còn đó nhiều khó khăn, hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (hơn 17%), đời sống người dân 6 huyện vùng Tây còn vất vả...

Trước những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng lưu ý Quảng Ngãi cần tập trung thực hiện hiệu quả 3 vấn đề trọng tâm: Chính quyền các cấp phải rà soát mọi chỉ tiêu, chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục những hạn chế, yếu kém, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Đánh giá thật nghiêm túc cái được và chưa được về kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ về các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội tỉnh và T.Ư điều chỉnh; rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và chỉ rõ 2 năm tới cần điều chỉnh cái gì, đột phá vào đâu để phát triển. Đặc biệt, phải phát huy cho được tiềm năng, lợi thế hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chú trọng thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là đầu tư nước ngoài... qua đó tạo động lực, sự lan tỏa thúc đẩy phát triển toàn diện KT-XH, về đích mục tiêu CNH-HĐH trước năm 2020. Quảng Ngãi cũng cần hết sức chú trọng thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là gia đình chính sách và đồng bào thiểu số.

Đối với các vấn đề cụ thể, Thủ tướng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể và giải quyết thỏa đáng đối với các kiến nghị, đề xuất của Quảng Ngãi, trong đó, chú trọng đề án phát triển bền vững huyện đảo Lý Sơn và có cơ chế đặc thù hỗ trợ bà con ngư dân yên tâm bám biển, giữ vững chủ quyền quốc gia; rà soát chăm lo chu đáo, ổn định đời sống bà con tái định cư thuộc dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chú trọng vấn đề an ninh, an toàn cho nhà máy...

Quang Sang