Đừng tự biến mình thành nạn nhân
Với phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội, nhiều người đã thiếu cảnh giác, tự biến mình thành nạn nhân khi đưa thông tin cá nhân, kể cả mật khẩu tài khoản ngân hàng cho kẻ lừa đảo. Chỉ đến khi “ngộ” ra thì tiền của nạn nhân đã như “bóng chim, tăm cá” theo các đối tượng.
Người dân cần cảnh giác khi giao dịch với “người ảo” trên các trang mạng xã hội. |
Những người bạn ảo
Mạng xã hội ngày càng trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều người, bên cạnh mang lại những lợi ích về thông tin thì trên đó cũng đầy rẫy những chiếc “bẫy” mà kẻ lừa đảo giăng sẵn. Nhiều người vì chút lợi, mất cảnh giác đã tự biến mình thành nạn nhân của kẻ lừa đảo khi giao dịch, chuyển tiền cho những kẻ chưa gặp mặt cũng như không nắm rõ thông tin cá nhân như thế nào.
Khoảng đầu tháng 3-2018, chị S.D (trú H. Chư Păh, Gia Lai) bất ngờ nhận được lời mời kết bạn trên facebook có tên tài khoản là Marco Rio. Thế rồi cuộc trò chuyện cũng được “google dịch” kết nối và hai người trở nên tâm đầu ý hợp. “Anh bạn ảo” ở kia hết lời khen ngợi dung nhan và cũng nửa úp, nửa mở về việc đang sở hữu một số tài sản lớn cũng như muốn tìm một phụ nữ để “đầu gối, tay ấp”. Rồi chuyện gì đến cũng đến, “anh chàng Tây” kia ngỏ lời cầu hôn và hứa hẹn sẽ sang Việt Nam kết hôn với chị D. và được chị D. đồng ý. Biết “cá đã cắn câu”, Marco Rio nhắn tin đề nghị chị D. cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại để “chồng tương lai” gửi tặng trước 300.000USD mua sắm, làm đẹp chờ ngày hợp hôn. Tuy nhiên, với lý do số tiền lớn không thể gửi qua tài khoản được, “chồng tương lai” nhắn chị D. sẽ gửi tiền trên vào thùng quà với nhiều hiện vật coi như là sính lễ.
Đến ngày 16-3, một người phụ nữ gọi điện cho chị D. và tự giới thiệu là nhân viên hải quan, sau khi xác minh thông tin cá nhân, người phụ nữ này yêu cầu chị D. chuyển số tiền phí để nhận tiền. Không chút mảy may nghi ngờ về “chồng sắp cưới”, chị D. chuyển vào tài khoản theo yêu cầu của đối tượng với tổng số tiền 17,3 triệu đồng. Thế nhưng, đến nay 300.000USD cùng “chồng sắp cưới” nằm phương trời nào, còn số tiền của chị D. đã biến mất sau cú điện thoại của “nữ nhân viên hải quan” kia. Biết mình bị lừa, chị D. đau khổ tìm đến cơ quan chức năng trình báo.
Mới đây, chị N.T.T (1968, trú H. Ia Grai, Gia Lai) cũng đã đến CQĐT CA tỉnh Gia Lai nộp đơn tố giác về việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn tương tự chị D. Từ mạng xã hội facebook, chị T. kết bạn và làm quen với tài khoản mang tên James Mark. Sau thời gian trò chuyện tâm giao, Mark nhắn tin đề nghị chị T. gửi thông tin về họ tên, địa chỉ nhà ở, số điện thoại để Mark gửi cho chị một gói quà, trong đó có 800.000USD từ nước ngoài về. Đến ngày 19-6, chị T. nhận được cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là nhân viên Sân bay Tân Sơn Nhất yêu cầu chị T. gửi 13,7 triệu đồng là tiền lệ phí để nhận gói hàng. Chỉ sau khi chuyển tiền xong, chị T. mới sực tỉnh biết mình đã sập bẫy của kẻ lừa đảo nên đến cơ quan CA trình báo.
Đưa mọi thông tin tài khoản ngân hàng
Cũng với kiểu lừa đảo qua mạng xã hội facebook nhưng kẻ lừa đảo tinh vi hơn khi sử dụng các chiêu công nghệ thông tin để khiến những nạn nhân thiếu cảnh giác, không rành công nghệ sập bẫy. Đơn cử, cuối tháng 2-2018, anh Đ.V.Q (trú TP Pleiku, Gia Lai) đăng tin rao bán nhà trên trang mạng xã hội facebook. Đến ngày 6-3, một tài khoản facebook có tên Trang Yến đã liên hệ và đề nghị anh Q. cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để chuyển tiền đặt cọc mua nhà. Vui mừng vì chỉ mới đăng tin đã có người hỏi mua, anh Q. vui vẻ cung cấp số tài khoản thẻ ATM của mình và 2 bên thỏa thuận đặt cọc trước 100 triệu đồng. Tuy nhiên, lấy lý do đang ở nước ngoài nên “Trang Yến” sẽ thanh toán qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Đến ngày 7-3, anh Q. nhận được tin nhắn qua tài khoản điện thoại thể hiện tài khoản của mình đã tăng thêm 100 triệu đồng. Thế nhưng, thực chất đây là tin nhắn được đối tượng sử dụng phần mềm để soạn với các số tin nhắn có mã số nước ngoài. Dù thấy tin nhắn với số lạ nhưng anh Q. không mảy may nghi ngờ vì nghĩ số ở nước ngoài và kèm theo cả số tài khoản của anh (số tài khoản đã đưa cho các đối tượng từ trước) nên xác nhận với “Trang Yến” là đã nhận được thông báo.
Chỉ chờ có thế, đối tượng tiếp tục gửi một đường link trang web giả mạo mà các đối tượng lập ra có địa chỉ: westeronline.weebly.com đề nghị anh Q. nhập các thông tin cá nhân như tên tuổi, số điện thoại, số CMND, số tài khoản, mật khẩu số tài khoản vào trang web này. Ngoài ra, để giao dịch thành công, anh Q. phải nhập mã OTP (mã giao dịch ngân hàng gửi về) để nhận tiền thành công. Có được đầy đủ thông tin về tài khoản ngân hàng cũng như mật khẩu và mã OTP, đối tượng đã nhanh chóng rút 100.793.000 đồng trong tài khoản của anh Q. và cắt đứt liên lạc. Chỉ đến khi thấy tin nhắn báo tài khoản ngân hàng bị “âm” tiền, anh Q. mới sực tỉnh khi nhẹ dạ đưa toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng.
Với thủ đoạn tương tự, ngày 25-5, anh P.T.N (trú TP Pleiku) cũng bị sập bẫy khi tài khoản facebook với tên “Tam Minh” liên hệ anh N. để mua đất. Thiếu cảnh giác, anh N. đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho đối tượng và sau đó, đối tượng đã gửi cho anh N. đường link trang web giả mạo có địa chỉ: westernunionnhantienquocte.weebly.com/donate.html đề nghị anh N. nhập mã OTP vào để nhận tiền. Sau khi nhập mã OTP thì số tiền hơn 48 triệu đồng trong tài khoản của anh N. bị chiếm đoạt. Qua xác minh, điều tra bước đầu, Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai xác nhận, sau khi chiếm đoạt số tiền của anh Q. và anh N., đối tượng đã dùng để mua tiền ảo bitcoin và card điện thoại. Từ đó, khiến việc điều tra gặp nhiều khó khăn.
Trước thủ đoạn mới của loại tội phạm trên, Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai đã có thông báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua hình thức này đến các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh để người dân nâng cao cảnh giác. Quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai xác định phương thức, thủ đoạn gây án của các đối tượng trên: sau khi tìm hiểu, nắm bắt thông tin rao bán hàng hóa ở các trang mạng, các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản facebook liên hệ với người bán, tự giới thiệu là công dân Việt nam đang sinh sống ở nước ngoài, có nhu cầu mua hàng hóa (thường là nhà, đất) ở Việt Nam. Sau khi thỏa thuận thống nhất giá cả, các đối tượng này đề nghị người bị hại cung cấp thông tin về số tài khoản, số điện thoại cá nhân của người bán để chuyển tiền đặt cọc. Sau đó, các đối tượng gửi đường link của trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế Westernunion yêu cầu người bán nhập số tài khoản, mật khẩu tài khoản và mã OTP để nhận tiền đặt cọc. Khi nhập mã OTP thì số tiền trong tài khoản của người bán sẽ bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.
Đồng thời, Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai cũng thông báo nếu người dân phát hiện các đối tượng có thủ đoạn trên, đề nghị trình báo đến Phòng CSHS CA tỉnh Gia Lai, số điện thoại: 0694 329148 để phối hợp xử lý.
Minh Tân