Báo Công An Đà Nẵng

VĂN HÓA GIAO THÔNG, VĂN MINH ĐÔ THỊ:

Đừng vì nhanh một giây, chậm cả đời

Thứ ba, 04/11/2014 11:59

(Cadn.com.vn) - Hệ thống giao thông đường bộ ở nước ta nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn phức tạp. Do đó, đèn tín hiệu giao thông luôn là một phương tiện hỗ trợ cho việc đảm bảo an toàn giao thông. Việc tuân thủ tín hiệu đèn giao thông không chỉ đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông mà còn được xem là một nét đẹp trong văn hóa giao thông. Nhưng vẫn còn tình trạng một bộ phận người tham gia giao thông thiếu ý thức, không tuân thủ mà chủ yếu là vượt đèn đỏ, từ đó dẫn đến nhiều TNGT đáng tiếc.

Có mặt tại đoạn đường Tôn Đức Thắng mới thấy tình trạng vượt đèn đỏ diễn ra như cơm bữa cho dù đây là tuyến đường rất nhộn nhịp với nhiều phương tiện tham gia giao thông. Tài xế Hùng chạy tuyến Huế - Đà Nẵng cho biết " Là đường lớn, đường ưu tiên nhưng mỗi lần qua lại tuyến đường này, cánh tài xế chúng tôi phải luôn căng mắt, tinh thần. Nơi này nhiều trường đại học, cao đẳng... nên sinh viên nhiều lắm, đi vào giờ tan trường tan lớp là phải căng tai dồn sức mà né tránh. Sinh viên vượt đèn đỏ như cơm bữa ấy mà. Chạy đèo núi mà không mệt qua đây thì lắc đầu ngao ngán, có trường hợp tôi thắng kịp thời, không thì đâm một lúc hai ba chiếc". Rồi chàng tài xế đen nhẻm  cười mà ngán ngẩm "Nói thật nhé, chỉ có thanh niên mới dám liều lĩnh vượt đèn đỏ thôi. Còn những người trạc tuổi thì hiếm gặp. Đa số là sinh viên, nếu không tin thì vác xe lên đường Tôn Đức Thắng chạy một vòng là biết liền à. Mà cũng lạ thiệt, có ăn có học, luật giao thông thì nói xoen xoét mà không biết phân biệt màu sắc trên cái cột đèn kia, thế có khổ không chứ".

Về trung tâm thành phố, hệ thống đèn xanh đèn đỏ càng dày đặc hơn. Không phải phổ biến nhưng quan sát tại các điểm có đèn tín hiệu giao thông, chúng tôi nhận thấy tình trạng vượt đèn đỏ vẫn xuất hiện và không ít lần những vụ vượt đèn như thế gây ra những vụ va quệt, thậm chí là những vụ TNGT gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông. Các vi phạm chủ yếu là khi thấy đèn xanh chuẩn bị hoặc đã chuyển sang đèn vàng, thay vì dừng xe trước vạch sơn thì nhiều người điều khiển phương tiện cố tăng ga để vượt. Ngoài ra, còn có một số người chờ đèn đỏ lâu cũng lấn dần ra giữa ngã tư rồi lách qua dòng xe đang cắt ngang để sang đường.

Vượt đèn đỏ là tình trạng xảy ra hầu khắp trên các tuyến đường Đà thành.

Đang "mai phục" trên giao lộ Lê Duẩn - Nguyễn Thị Minh Khai thì xảy ra một trường hợp dở khóc dở cười. Cô gái duyên dáng Đà thành vượt đèn đỏ "choảng" phải một anh thanh niên. Hai bên dắt xe vào lề đường vì chẳng thiệt hại về người và của là bao. Người dân hiếu kì xúm lại xem, anh ta lia mắt về phía cô gái rồi buông một câu "tình tứ" rằng may thay là con gái chứ phải thằng nào là to chuyện rồi đó. Chỉ một chuyện dừng lại đợi vài giây rồi đi tiếp nhưng nhiều lúc lắm rắc rối xảy ra. Nặng thì liên can đến tính mạng thân thể, nhẹ thì chửi bới xô xát, thậm chí nhiều trường hợp mà còn ngổ ngáo dù mình sai lè.

Việc vượt đèn đỏ có hệ lụy "lan tỏa", tức là nếu một người vượt đèn đỏ sẽ kéo theo những người khác cũng vượt do phản xạ tự nhiên. Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do lỗi vượt đèn đỏ, chỉ vì muốn nhanh vài giây mà có khi chậm cả đời, song dường như chừng đó vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh bộ phận ý thức kém. Vượt đèn đỏ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ ý thức kém của người tham gia giao thông. Họ thừa biết vượt đèn đỏ là sai, nhưng vẫn vô tư vượt vì tiếc vài giây, vì thấy người khác cũng vượt, và cũng có một bộ phận do quan sát thấy không có CSGT ở đó nên vượt. Đó là lối suy nghĩ vô cùng lệch lạc của bộ phận người vi phạm.

Một vụ tai nạn do vượt đèn đỏ.

Thực tế thì việc ý thức trong tham gia giao thông của người dân Đà Nẵng là tương đối tốt, thậm chí an toàn giao thông của thành phố luôn được du khách đánh giá cao. Bên cạnh ý thức của người dân thì thời gian qua, thành phố cũng rất quan tâm trong việc nâng cao chất lượng hạ tầng cũng như nhiều biện pháp quản lý, vận hành hệ thống giao thông trên thành phố, đảm bảo được tốt nhất tình hình trật tự, an toàn giao thông. Số vụ việc TNGT trên địa bàn thành phố luôn được kiểm soát và ở con số thấp cho thấy những nỗ lực của chính quyền và người dân, nhất là so sánh với những thành phố lớn. Tuy nhiên, việc xuất hiện những "con sâu" ít nhiều làm giảm đi vẻ đẹp của thành phố.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vượt đèn đỏ ở Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, là do người tham gia giao thông vội vã, gấp gáp về mặt thời gian do công việc chi phối. Thứ hai, do tâm lý thích thể hiện, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên muốn vượt đèn đỏ để khẳng định cá tính mạnh không sợ ai của mình. Thứ ba, là do thói quen vô ý thức, vô kỷ luật của một bộ phận người dân, trong đó chủ yếu là thanh niên...

Thế nên với một vấn đề xuất phát từ ý thức như vượt đèn đỏ thì chúng ta phải dùng mọi biện pháp giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ để xây dựng một nền tảng ý thức tham gia giao thông an toàn. Đã đến lúc phải thực hiện kiên quyết theo phương châm "luật lệ tạo dựng ý thức" thì mới giải quyết được tận gốc hiện trạng vượt đèn đỏ này. Phạt nguội là phương pháp hữu hiệu mà chúng ta có thể tính đến. Tuy không thể phạt được hết các lỗi vi phạm nhưng cần tuyên truyền sâu rộng các lần xử phạt trong cộng đồng dân cư để răn đe những người ý thức kém. Chế tài xử phạt cũng cần được điều chỉnh, hiện, mức phạt cao nhất xử lý hành vi vượt đèn đỏ là 400.000 đồng đối với xe máy còn với ô-tô chỉ 1.200.000 đồng, đây là mức phạt chưa đủ tính răn đe. Nên chăng, cần tăng mức phạt và kết hợp lao động công ích nhằm giáo dục cho người vi phạm. Đây là biện pháp mà một số nước trên thế giới đã áp dụng thành công.

Song song với việc tăng mức phạt, cần chú trọng công tác giáo dục ý thức cho người dân gắn với các phong trào, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, hội Cựu chiến binh, các tổ chức nghề nghiệp. Một phương pháp làm giảm thiểu hành vi vượt đèn đỏ là đánh vào các mối quan hệ của người vi phạm. Nếu mỗi khi vi phạm vượt đèn đỏ, hành vi đó bị thông báo tới chính cơ quan, đoàn thể hay nơi cư trú của người vi phạm thì tin rằng ý thức của họ sẽ tăng lên và họ không dám vi phạm nữa, vì xét cho cùng, sự xấu hổ cũng là một động lực để nâng cao ý thức của con người.

Bùi Đức Tú