Đừng vì những "hạt sạn" mà đánh giá bình yên cả thành phố
Thời gian gần đây, những hình ảnh, clip các nhóm thanh thiếu niên mang theo hung khí, dao tự chế xuất hiện trên mạng đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh bình yên, đáng sống của Đà Nẵng. Trong các bài đăng, không ít người bình luận khiếm nhã theo dạng "tát bùn sang ao", bôi nhọ hình ảnh và hạ bệ uy tín, vai trò, nỗ lực của lực lượng Công an trong sứ mệnh "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi".
Đầu tháng 4-2024, mạng xã hội xuất hiện clip nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe máy, tay mang theo dao phóng lợn chạy trên đường Bạch Đằng (Q. Hải Châu). Rất nhanh chóng sau đó, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Cảnh sát hình sự) Công an quận Hải Châu đã tổ chức xác minh, truy xét và làm rõ nhóm thanh thiếu niên trên gồm khoảng 30 đối tượng tham gia. Tuy nhiên, nhiều hội nhóm Facebook với hàng trăm ngàn lượt theo dõi thi nhau chia sẻ clip để "hút view", tăng tương tác cho trang của mình. Trong đó có nhiều bình luận hạ thấp uy tín, danh dự và phủ nhận những công lao của biết bao cán bộ, chiến sĩ Công an ngày đêm vất vả bảo vệ sự bình an cho thành phố, cho nhân dân.
Đơn cử tại trang Review Đà Nẵng, nhiều người "tay nhanh hơn não" comment chửi bới vô tội vạ, kết án, bôi nhọ, xúc phạm danh dự lực lượng Công an TP với nội dung như: "Hình như Công an Đà Nnẵng có mắt như m* mà", "Mấy chú Công an thấy cũng đ** ra quần, huống chi người dân", "Nhậu tí thì… nó me nó chụp nó bắt… còn cái này thì trốn đau kog thấy…"… Thậm chí, có những bình luận phản cảm nhằm hạ uy tín đối với lãnh đạo lực lượng Công an TP. Một số đối tượng còn lấy danh xưng "thành phố đáng sống" để làm cớ xuyên tạc nỗ lực của lãnh đạo thành phố và lực lượng Công an.
Có thể thấy, với vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, lực lượng Công an trở thành mục tiêu mà các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội, bất mãn hướng tới nhằm xuyên tạc, chống phá một cách thường xuyên và trên nhiều mặt. Trong đó, mạng xã hội là một trong những nơi mà các đối tượng lợi dụng triệt để. Mục đích nhằm hướng lái nội dung, đưa thông tin sai lệch về hoạt động của cá nhân, tập thể Công an để người dân hiểu sai, từ đó tìm cách vu cáo, kích động chống đối. Không ít "cư dân mạng", nhất là lớp trẻ đã chịu ảnh hưởng nhất định của các thông tin, luận điệu sai lệch này.
Đừng ngộ nhận rằng "tự do ngôn luận" là muốn nói gì cũng được, tùy thích. Hoặc mạng xã hội là "ảo", cứ thoải mái "bình loạn" vô tội vạ, mà không phải chịu trách nhiệm gì cả. Cả hai suy nghĩ ấy đều sai. Luật pháp của Việt Nam đã có các quy định khá đầy đủ về chế tài xử phạt các hành vi sai phạm trên không gian mạng.
Bình luận xúc phạm trên mạng có thể thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong đó điển hình là những lời nói lăng mạ, xuyên tạc, vu khống... Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi bình luận khiếm nhã, phản cảm trên mạng xã hội, nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm và danh dự của người khác, đã được quy định rõ trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP. Theo đó, các hành vi vi phạm được liệt kê cụ thể và áp dụng mức phạt tùy thuộc vào tính chất và nghiêm trọng của hành vi với mức xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Bên cạnh mức phạt tiền, Nghị định cũng đề cập đến biện pháp khắc phục hậu quả, đặc biệt là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Trong một số trường hợp, hành vi bình luận khiếm nhã và phản cảm trên mạng xã hội còn có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự.
Vào tháng 4-2020, 2 cán bộ chiến sĩ Công an quận Sơn Trà hy sinh khi làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT, truy đuổi nhóm thanh thiếu niên đua xe trên địa bàn, thời điểm này dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra. Tuy nhiên, ông P.V.T (1985, trú Hải Châu, Đà Nẵng) sử dụng tài khoản Facebook V.T tham gia bình luận trong một bài viết trên mạng xã hội, có những lời lẽ xúc phạm, nhục mạ uy tín, danh dự và hình ảnh lực lượng Công an TP Đà Nẵng, cho rằng sự hy sinh của 2 đồng chí Công an trong vụ truy bắt đối tượng cướp giật, đua xe là một "cái chết thảm", "chết thúi", "chết như dàn cảnh",… Ngoài ra người này cũng tham gia bình luận trong một bài viết trên mạng xã hội xuyên tạc, sai sự thật về việc cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ.
Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật của ông T. đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Lợi dụng vụ việc 2 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ để xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Đà Nẵng đã triệu tập làm rõ và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông P.V.T theo quy định của pháp luật.
Hay vào tháng 2-2021, Công an quận Hải Châu mời chủ tài khoản Facebook Bđs Khanh Tran lên làm việc vì có hành vi xúc phạm lực lượng Công an. Trước đó, người này bị Đội CSGT - TT Công an quận Hải Châu lập biên bản xử phạt vì đỗ xe tại nơi có biển cấm đỗ (đường Quang Trung). Tuy nhiên, thay vì chấp hành, người đàn ông này lại chụp ảnh, đăng tải lên trang Facebook cá nhân với nội dung xúc phạm Công an TP Đà Nẵng. Đối tượng sau đó đã nhận rõ hành vi sai trái của mình và gửi lời xin lỗi đến cán bộ chiến sĩ Công an quận Hải Châu và bị xử lý hành chính với mức phạt tương ứng điểm a, khoản 3, điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3-2-2020 với số tiền 12,5 triệu đồng.
Qua một số vụ việc nêu trên, có thể thấy lực lượng Công an luôn là mục tiêu để các đối tượng công kích, đặc biệt là trong môi trường không gian mạng nhằm gieo rắc, kích động tâm lý hiềm khích trong dư luận. Do đó, mỗi người dân khi tiếp cận các thông tin, bài viết, các bình luận cần tỉnh táo, không vội "bấm like", không thêm thắt và không vội chia sẻ. Hành động đó góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa các thông tin xấu, độc hại và đồng thời, cần thể hiện lý trí, sự hiểu biết để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
(còn nữa) MAI VINH