Được và mất
(Cadn.com.vn) - Giá dầu thế giới lại tiếp tục giảm. Thậm chí, các chuyên viên không loại trừ khả năng giá dầu sẽ ở mức dưới 40 USD/thùng, điểm đen có thể khiến cả thế giới rơi vào thảm kịch kinh tế nghiêm trọng.
Lo nhất vẫn là Nga - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - trong bối cảnh nước này vẫn đang phải đấu tranh với các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), động thái gây sức ép nhằm vào Moscow về các vấn đề Ukraine. Mối quan hệ căng thẳng Ukraine - Nga có thể sẽ làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu cho Kiev.
Và tất cả lại càng làm leo thang hơn nữa sự rạn nứt chính trị có thể tiếp tục thay đổi hướng đi của giá dầu. Tờ Bloomberg cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nguồn thu từ dầu mỏ sẽ không thể bảo vệ Nga trước đòn trừng phạt phương Tây.
Một quốc gia khác cũng chịu thiệt hại nặng nề là Iran – vốn cũng đang chống chọi với trừng phạt quốc tế do chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Tại một quốc gia mà dầu mỏ là nguồn thu chủ yếu của nền kinh tế, Tehran sẽ buộc phải cắt giảm các khoản trợ cấp mà trước đó phần nào bảo vệ được nền kinh tế trước sức ép ngày càng tăng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Sức ép từ giá dầu giảm có thể sẽ khiến quốc gia Hồi giáo buộc phải tự mình bớt cứng rắn trên con đường đi đến một thỏa thuận về chương trình hạt nhân với P5+1.
Trong số những nước sẽ chịu thiệt hại tối đa do sụt giảm giá dầu còn có Nigeria - quốc gia đang chống chọi với các chiến binh Hồi giáo - và Venezuela. Tại Venezuela, doanh thu dầu suy giảm làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế còn gắn liền với các khoản trợ cấp nhiên liệu, kiểm soát giá cả và các chương trình xã hội hào phóng.
Tại Mỹ, cũng có những kẻ thua lớn. Gã dịch vụ dầu khí khổng lồ Halliburton mất 44% giá trị kể từ ngày 23-7. Tập đoàn Continental Resources, một nhà sản xuất dầu đá phiến sét khổng lồ trong khu vực Bakken ở Bắc Dakota, mất đi một nửa giá trị kể từ ngày 29-8. Ngay cả BP, một ông lớn vững chắc của Mỹ, cũng mất một phần giá trị chỉ trong vài tháng qua.
Hiện tại, các câu hỏi đặt ra với các nhà đầu tư, các Cty và các nhà hoạch định chính sách là liệu giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong bao lâu. Mỗi ngày, người lái xe Mỹ tiết kiệm 630 triệu USD tiền xăng so với những gì mà họ phải trả với giá hồi tháng 6.
Và họ sẽ lời 230 tỷ USD/năm nếu dầu tiếp tục ở mức giá thấp như hiện nay. Hầu hết số tiền này sẽ chảy vào nền kinh tế, hộ gia đình có thu nhập thấp sống dựa vào nguồn ngân sách được chi tiêu chặt chẽ kiểu như nếu không dùng tiền để mua dầu thì sẽ mua thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm khác.
Trên thực tế, các nhà sản xuất dầu quen với thực tế mức giá khoảng 100 USD/thùng nên không đa dạng hóa kinh tế, hoặc thực hiện động thái này quá chậm chạp. Giới phân tích cho rằng, nếu giá dầu tiếp tục giảm, những nước này và sau đó là cả thế giới sẽ phải đón đợi thảm họa chính trị và xã hội nghiêm trọng. Chắc chắn, nhiều nền kinh tế có thể chậm lại và giá cả hàng hóa khác cũng bị tác động tiêu cực.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết, giá dầu giảm tác động tích cực cho nền kinh tế toàn cầu nói chung.“Giả sử giá dầu giảm 30%, nó có khả năng kích thích tăng trưởng 0,8% đối với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, bởi vì tất cả trong số họ là nhà nhập khẩu dầu”, ông nói đến Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Thanh Văn