Báo Công An Đà Nẵng

Đường đến thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Pakistan

Thứ hai, 09/11/2015 08:55

(Cadn.com.vn) - Trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đến Mỹ hồi cuối tháng 10, giới truyền thông rộ lên tin cho rằng, Washington sẽ ký thỏa thuận hạt nhân với Islamabad nhằm hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân (VKHN) của Islamabad, vốn được cho là đang phát triển nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, Pakistan lại bác bỏ thỏa thuận sẽ đặt điều kiện về chương trình VKHN của mình. Bởi Islamabad thật sự đang tìm kiếm  thỏa thuận tương tự như Ấn Độ đạt được với Mỹ, trong đó New Delhi được tiếp cận các thị trường quốc tế đối với chương trình hạt nhân dân sự mà không bị áp đặt những hạn chế đáng kể về chương trình VKHN.

Từ thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn

Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân với Ấn Độ vào năm 2005, kết thúc thành công 3 thập kỷ New Delhi bị trừng phạt và đưa quốc gia Nam Á này tham gia vào Hiệp ước không phổ biến VKHN (NPT) - vốn quy định chỉ được phép giao dịch hạt nhân với Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG).

Chính quyền Tổng thống G.W.Bush lúc đó xem Ấn Độ như một thế đối trọng với một Trung Quốc đang lên và muốn tăng cường khả năng kinh tế và quân sự của New Delhi để đối phó với Bắc Kinh. Mỹ xác định cải thiện quan hệ với Ấn Độ, và để thực hiện điều đó, Washington sẵn sàng thay đổi các quy tắc và quy phạm về việc không phổ biến VKHN  đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Theo kiến trúc sư của chính sách Ấn Độ và là Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Robert Blackwill, nếu không nhằm mục đích cân bằng sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc, chính quyền Bush không đàm phán thỏa thuận hạt nhân dân sự và Quốc hội cũng không dễ dàng gật đầu thông qua.

Một vụ thử tên lửa của Pakistan. Ảnh: Diplomat

... Đến mong muốn của Pakistan

Kể từ năm 2005, Pakistan yêu cầu thỏa thuận hạt nhân tương tự như Ấn Độ. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận này là trường hợp đặc biệt.

Thất vọng bởi sự miễn cưỡng này của Washington, Islamabad ký thỏa thuận hạt nhân với Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh đồng ý bán 2 lò phản ứng hạt nhân cho quốc gia bạn hàng. Nhiều nước cho rằng điều này vi phạm nguyên tắc của NSG. Pakistan bắt đầu đẩy mạnh sản xuất các vật liệu phân hạch, động thái làm trầm trọng thêm mối quan ngại của Mỹ về sự an toàn và an ninh chương trình VKHN của nước này. Washington lo rằng, vật liệu hạt nhân có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố hoạt động tại Pakistan. Mối lo ngại còn tăng lên bởi khả năng Islamabad đang có ý định triển khai VKHN chiến thuật năng suất thấp nhằm ngăn chặn khiêu khích quân sự thông thường của Ấn Độ.

Trên thực tế, Pakistan cũng là đồng minh chiến lược quan trọng đối với Mỹ, là chìa khóa cho sự ổn định ở Afghanistan. Tuy nhiên, không giống như New Delhi, Islamabad không chia sẻ lợi ích chiến lược chung với Washington; đúng hơn, cả hai bên thường có các mục tiêu chính sách mâu thuẫn về vấn đề Kabul. Nền dân chủ ổn định, và kinh tế đang phát triển nhanh cũng là yếu tố khiến Mỹ đi đến thỏa thuận với Ấn Độ. Bên cạnh những lợi ích chiến lược dự kiến, Đồi Capital cũng bị thuyết phục bởi những lập luận rằng việc mở cửa thị trường hạt nhân Ấn Độ sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho người Mỹ trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ hạt nhân.

Trong khi đó, Pakistan không có biện pháp khuyến khích kinh tế, vẫn phải dựa nhiều vào các khoản vay thương mại, vay tài trợ ưu đãi và viện trợ. Kinh tế dậm chân tại chỗ, tham nhũng tràn lan, và nền chính trị yếu kém khiến Islamabad không thể trở thành thị trường đầy hứa hẹn về thương mại hạt nhân. Và cơ hội để Pakistan có được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ trong tương lai có vẻ xa vời.

An Bình

(Theo Diplomat)