Báo Công An Đà Nẵng

Đường đi của tiền ‘bẩn’ trong vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC

Thứ tư, 21/12/2022 18:04
Cựu bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành tại phiên tòa sáng 21-12 - Ảnh: TTXVN

Lúc 10h30 ngày 21-12, sau phần thủ tục, đại diện viện kiểm sát công bố bản cáo trạng vụ đại án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan.

Bản cáo trạng dài 64 trang được viện kiểm sát công bố tại tòa cho thấy bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - người thành lập "đế chế" AIC - trong quá trình phát triển đã tham gia và trúng thầu cung cấp thiết bị y tế, giáo dục khắp các địa phương.

Để dễ dàng trúng 16 gói thầu thiết bị y tế tại Đồng Nai, bà Nhàn không tiếc tay chi tiền thao túng lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư.

Bản cáo trạng cũng tái dựng đường đi của dòng tiền hối lộ, từ tiền nâng khống giá thiết bị bà Nhàn dùng để chi "quan hệ", lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tiếp tục dùng tiền này để mua bất động sản, cho con đi du học…

Lập ban tài chính để điều phối tiền ‘bẩn’

Theo cáo trạng, Công ty AIC chuyên kinh doanh trang thiết bị y tế, là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ một trung tâm xuất khẩu lao động trực thuộc công ty của Bộ Giao thông vận tải.

Bà Nhàn là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AIC - công ty có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 5 tỉ đồng, đến lần thay đổi thứ chín tăng lên 1.000 tỉ đồng.

Để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổng trị giá 665 tỉ đồng, bà Nhàn đã thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo từ tỉnh ủy đến sở, ngành.

Cùng với đó, bà Nhàn còn thành lập ban thư ký tài chính do Nguyễn Thị Thu Phương (hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) làm trưởng ban. Ban này có chức năng thực hiện việc thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của cựu chủ tịch AIC.

Mọi việc thu chi đều được ghi chép vào sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban nhưng không được hạch toán vào phần mềm kế toán của AIC.

Cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái tại phiên tòa sáng nay 21-12 - Ảnh: TTXVN

Kết quả điều tra cho thấy ban thư ký tài chính do bà Nhàn lập ra và trực tiếp chỉ đạo chính là điểm xuất phát của dòng tiền được lãnh đạo AIC mang đi hối lộ quan chức Đồng Nai. Nguồn tiền ban này có được là từ việc nâng khống giá thiết bị do các công ty sân sau chuyển về.

Từ năm 2011-2020, một số nhân viên của AIC đã nhận tiền từ quỹ của ban và chuyển đến tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh - nhân viên của một công ty khác do bà Nhàn lập ra và điều hành.

Mỗi lần nhận được chỉ đạo, Phương Anh rút tiền mặt để giao cho bà Nhàn và thuộc cấp mang đi "bôi trơn", chi "ngoại giao" cho các cá nhân là lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư.

Với các cách thức trên, tại Đồng Nai, bà Nhàn đã hối lộ hơn 43 tỉ đồng cho bí thư, chủ tịch, giám đốc Sở Y tế và "biếu quà" 1 tỉ đồng cho giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Kết quả điều tra xác định toàn bộ số tiền này đều có nguồn gốc từ ban thư ký tài chính AIC.

Qua xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) xác định Hoàng Thị Phương Anh có năm tài khoản tại ba ngân hàng. Từ năm 2011 - 2020, tổng số tiền các nhân viên ban thư ký tài chính đã chuyển vào ba tài khoản của Phương Anh là 464 tỉ đồng.

Hai tài khoản tại hai ngân hàng khác của Phương Anh được chuyển vào 31,5 tỉ đồng. Tổng số tiền các nhân viên của ban đã chuyển cho Phương Anh là 495,5 tỉ đồng.

10 năm nhận "lót tay" của cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai

Bản cáo trạng được công bố tại tòa cho thấy việc đưa và nhận hối lộ trong vụ án này đã diễn ra trong thời gian rất dài. Suốt hơn 10 năm, bí thư và chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần nhận "lót tay" để giúp Công ty AIC trúng 16 gói thầu cung cấp thiết bị y tế tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt danh mục thiết bị cho dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhận lời đề nghị từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành đã giới thiệu lãnh đạo Công ty AIC với quan chức tỉnh.

Năm 2010, khi dự án khó khăn về vốn đầu tư trang thiết bị y tế, ông Thành nhờ bà Nhàn giúp đỡ Đồng Nai xin vốn trung ương hỗ trợ. Dự án sau đó được tăng 30% tổng mức đầu tư, lên hơn 2.000 tỉ đồng.

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa - Ảnh: GIÀNG LONG

Viện kiểm sát cáo buộc, trong quá trình triển khai dự án, ông Thành đã chỉ đạo giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai "tạo điều kiện cho AIC tham gia và trúng thầu các gói về thiết bị y tế".

Cùng với việc "giúp sức" cho AIC trúng thầu, từ năm 2010-2015, cựu bí thư tỉnh Đồng Nai đã sáu lần trực tiếp nhận tiền từ bà Nhàn, tổng 14,5 tỉ đồng. Trong đó có ba lần bà Nhàn cho nhân viên đón ông Thành đến trụ sở AIC để đưa tiền, những lần còn lại nhận ngay tại trụ sở thành ủy.

Lần ông Thành nhận nhiều nhất vào năm 2012, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ 5 tỉ trong phòng làm việc của bà tại Hà Nội.

Ông Thành khai đã dùng phần lớn số tiền nhận hối lộ để gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, phần còn lại giữ chi tiêu cá nhân.

Cũng nhận số tiền 14,5 tỉ đồng, cựu chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái được bà Nhàn và nhân viên "lót tay" trong 14 lần kéo dài hơn mười năm. Những lần nhận "lại quả" này cũng đa phần diễn ra tại trụ sở AIC hoặc UBND tỉnh.

Cựu chủ tịch tỉnh khai đã đưa một phần số tiền nhận hối lộ cho vợ để đóng tiền cho hai con ruột du học tại Mỹ từ năm 2016 đến nay. Số tiền còn lại, ông Thái sử dụng cá nhân và chi phí một số việc trong gia đình.

Cựu giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhận hối lộ sáu lần, tổng cộng 14,8 tỉ đồng. Những lần đưa nhận tiền đều diễn ra tại phòng làm việc của Vũ.

Trước khi phiên tòa diễn ra, ba cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trên đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ.

Theo tuoitre