Báo Công An Đà Nẵng

Đường không luồn núi, đường bộ cắt rừng tiếp tế người dân vùng cô lập Phước Sơn

Thứ hai, 02/11/2020 12:25

Trong ngày 1-11, những tấn hàng cứu trợ đầu tiên đã được tổ bay của Trung đoàn 930, Sư đoàn Không quân 372 (Quân chủng Phòng không – Không quân) thả tiếp tế cho người dân xã Phước Lộc, H. Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi vẫn còn 8 người mất tích do mưa lũ, cuộc sống đang hết sức khó khăn. Dưới đất, lực lượng dân quân, thanh niên xung kích cũng bắt đầu cắt rừng đi bộ, cõng những chuyến hàng đầu tiên vào với bà con.

Tổ bay của Trung đoàn 930 vừa bay thả hàng cứu trợ vừa trinh sát địa hình phối hợp với lực lượng mặt đất.

Xuyên rừng cao, mây mù thả những tấn hàng đầu tiên

9 giờ sáng ngày 1-11, ngay khi nhận thông tin thời tiết thuận lợi từ Sở chỉ huy tiền phương đóng tại BCH Quân sự H. Phước Sơn, báy bay Mi-171 đã cất cánh từ sân bay Đà Nẵng hướng thẳng xã Phước Lộc. Đây là chuyến bay cứu trợ đầu tiên tới khu vực chia cắt này sau khi lực lượng chuyên môn hoàn thành việc trinh sát địa hình đồi núi phức tạp, đánh giá thời tiết, tầm nhìn tại địa bàn miền núi hiểm trở của H. Phước Sơn. Sau nửa giờ đồng hồ, tổ bay đã tiếp cận được địa hình và thực hiện bay treo, thả hàng tập trung tại các địa điểm thuận lợi để chính quyền xã, người dân các thôn dễ dàng tiếp cận, vận chuyển.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Trung – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 930, Sư đoàn 372, người trực tiếp chỉ huy tổ bay cho biết, địa hình núi cao, kết cấu phức tạp, thời tiết bất lợi tại Phước Sơn đòi hỏi công tác trinh sát địa hình tốt, thời tiết phải thuận lợi, tầm nhìn xa và kinh nghiệm bay thực tế nhiều mới có thể thực hiện chính xác, an toàn, nhanh chóng. Với sự hiệp đồng chặt chẽ từ Sở chỉ huy tiền phương, chuyến bay đầu tiên đã hoàn thành nhiệm vụ vừa thả hàng cứu trợ vừa trinh sát địa hình để phục vụ cho các chuyến bay tiếp theo. “Mệnh lệnh của cấp trên là trong điều kiện đường bộ chưa thể tiếp cận được thì máy bay cứu trợ phải có mặt sớm nhất có thể để bà con không phải đối mặt với điều kiện thiếu thốn, đói rét. Thả chuyến hàng đầu tiên ở vùng khó khăn nhất, tổ bay có thêm dữ liệu để thực hiện các chuyến tiếp theo thuận lợi hơn. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ liên tục mang hàng cứu trợ về với đồng bào, cùng chính quyền địa phương sát cánh, sớm ổn định cuộc sống của nhân dân”, Thượng tá Trung cho biết.

Theo kế hoạch, nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngày các máy bay trực thăng của Sư đoàn 372 sẽ luân phiên bay thả hàng. Trung bình mỗi chuyến khoảng 2 tấn gồm lương thực, nhu yếu phẩm thì sẽ sớm cung cấp đủ cho nhu cầu của người dân trong thời gian chờ thông các tuyến đường sạt lở.

Dòng người cõng lương thực từ xã Phước Công vào tiếp tế cho bà con xã Phước Lộc.

 

Cắt rừng, băng suối cõng gạo như thời chiến

Theo mệnh lệnh hiệp đồng của Sở chỉ huy tiền phương, ngay trong sáng 1-11, hàng trăm người gồm CBCS BCH Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, công an, dân quân, thanh niên xung kích các xã Phước Công, Phước Thành đã tập trung để cõng những bao nhu yếu phẩm đầu tiên bằng đường bộ, xuyên rừng về với bà con đang bị chia cắt trong giai đoạn khó khăn. Các lực lượng vừa vận chuyển hàng bằng xe gắn máy, vừa gùi cõng hàng xuyên rừng, gặp rất nhiều khó khăn do địa hình di chuyển phải vượt qua đồi dốc, suối, cầu treo. Trong khi hầu hết bộ đội tập trung cõng hàng lên cánh xã Phước Thành thì các lực lượng địa phương xuất phát từ xã Phước Công nối nhau cõng gạo lên xã Phước Lộc.

Mặc dù trời mưa nhưng với quyết tâm hàng hóa phải đến được với đồng bào càng sớm càng tốt, những “người vận chuyển đặc biệt” đã nối nhau, mang theo mỗi người khoảng 20kg nhu yếu phẩm băng qua hàng trăm điểm sạt lở, cắt nhiều ngọn đồi trơn ướt hành quân cả ngày. Để đảm bảo hàng hóa không bị ách lại trên đường, mỗi đoạn đều có trạm trung chuyển, gặp suối thì làm ròng rọc kéo qua, gặp núi trơn thì cột dây thừng vào cây để men theo. Anh Hồ Văn Thành, thanh niên xã Phước Công tâm sự: “Lúc này đồng bào rất cần mình. Khi biết có chiến dịch cõng hàng, thanh niên trong xã đều xung phong ghi tên tham gia. Mùa mưa liên tục, nghĩ đến cảnh bà con đói rét là mình lo lắm, cứ mong gạo, muối, áo quần sớm đến với bà con”.

Bộ đội cõng gạo lên vùng cô lập cho người dân 2 xã Phước Thành, Phước Lộc.

Theo ông Hồ Công Điểm – Bí thư Đảng ủy xã Phước Công, H. Phước Sơn, mặc dù xã nhà không bị cô lập nhiều nhưng Sở chỉ huy tiền phương đã chọn trụ sở nhà làm nơi tập kết hàng cứu trợ thì đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã huy động thanh niên trai tráng nhanh chóng tham gia. Đây là thời điểm cần huy động sức người thay cho máy móc vì địa hình núi non, sông suối hiểm trở, phải đi bằng kinh nghiệm và sức khỏe, quyết tâm không được để bà con đói rét. “Sống ở miền núi thì sợ nhất chính là bị cô lập, mất thông tin liên lạc. Trong hoàn cảnh đồng bào mình có nguy cơ đứt bữa, thiếu ăn vì mọi thứ đã bị lũ cuốn đi, xóm làng bị cô lập thì mỗi ký gạo, chai dầu ăn đều quý. Nếu mỗi người hoàn thành một chuyến hàng khoảng 20 ký trong ngày đầu tiên thì sẽ có 6 tạ mỗi ngày cho bà con. Cùng với hàng cứu trợ từ máy bay trực thăng nữa thì không còn lo bà con đói rét. Đâu cần thanh niên có là lúc này đây”, ông Điểm nói.

Theo Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn vụ sạt lở đất ở huyện Phước Sơn, sẽ mất rất nhiều thời gian để sử dụng xe cơ giới thông đường vào các xã bị cô lập của H. Phước Sơn. Chính vì vậy, song song với việc sử dụng máy bay trực thăng cứu trợ, phương án cõng lương thực vào tiếp tế cho hơn 3.000 dân tại vùng này là kịp thời và hiệu quả nhất. Đến thời điểm hiện tại, việc đưa được hàng hóa, nhu yếu phẩm vào tận các xã để từ đây chuyển xuống cơ sở đã bước đầu ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên mưa kéo dài nhiều ngày sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục sạt lở. Chính vì vậy việc tiếp tế lương thực cũng như tìm kiếm 8 người mất tích còn lại ở xã Phước Lộc cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.

Công Khanh

Tổ bay của Trung đoàn 930 vừa bay thả hàng cứu trợ vừa trinh sát địa hình phối hợp với lực lượng mặt đất.