Báo Công An Đà Nẵng

Đường ống dẫn khí đốt khổng lồ nối Nga - Trung Quốc

Thứ năm, 28/07/2022 15:54
Một đoạn đường ống "Sức mạnh Siberia" được xây dựng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tháng 3-2022. Ảnh: Getty.

38 tỷ m3 vào năm 2023

Theo tin từ CNBC, đường ống có tên "Sức mạnh Siberia" (Power of Siberia) đã bắt đầu dẫn khí tới khu vực miền Bắc Trung Quốc từ tháng 12-2019. Sau đó, đường ống tiếp tục được xây dựng để dẫn tới vùng phía Đông của Trung Quốc. Giai đoạn 2 của dự án đi vào vận hành vào tháng 12-2020. Phần phía Nam, cũng là phần cuối cùng của đường ống này, dự kiến sẽ bắt đầu dẫn khí đốt vào năm 2025.

Các công ty năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga và Tập đoàn Xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã xây dựng đường ống này trong khoảng 8 năm. Đường ống dẫn khí đốt Nga - Trung bước vào giai đoạn xây dựng cuối cùng trong bối cảnh Nga đối mặt nguy cơ mất đi một phần lớn doanh thu từ việc bán khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) - khách hàng lớn đang có kế hoạch nhằm tiến tới giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Về phần mình, Trung Quốc cũng đang tìm cách đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng. Cho tới nay, Bắc Kinh từ chối lên án Moscow vì mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Năm 2020, Nga cung cấp 4,1 tỷ m3 khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua đường ống "Sức mạnh Siberia". Tuy nhiên, Theo khối lượng, xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang Trung Quốc thông qua đường ống trên đã tăng 63,4% lên 7,5 tỷ m3 trong nửa đầu năm nay. Khối lượng đó dự kiến sẽ lên 38 tỷ m3 vào năm 2023, tăng đáng kể vào thời điểm nhiều nước châu Âu đang đa dạng hóa nguồn cung để thay thế nhiên liệu của Nga.

Tiếp tục với siêu dự án khí đốt thứ 2

Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc và Nga đã mở rộng thỏa thuận mua khí đốt hàng năm thêm 10 tỷ m3. Hai bên không nói rõ khi nào sẽ thực hiện thỏa thuận nhưng cho biết đây là một thỏa thuận dài hạn. Ước tính doanh số bổ sung trị giá 37,5 tỷ USD trong 25 năm.

Hai nước cũng đã thảo luận về việc xây dựng thêm các đường ống dẫn khí đốt, trong đó có một đường ống dự kiến chạy từ Siberia qua Mông Cổ. Theo trang Asiatimes, siêu dự án "Sức mạnh Siberia 2" (Power of Siberia 2) sẽ chuyển hướng khí đốt khai thác từ Siberia, lẽ ra tới châu Âu, sang Trung Quốc và đi ngang qua lãnh thổ có độ cao lớn của cao nguyên Mông Cổ. Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai cho biết nghiên cứu khả thi của đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh của Siberia 2" đã hoàn thành và việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2024.

Tờ Moscow Times đưa tin, đường ống này sẽ lần đầu tiên cung cấp khí đốt chuyển hướng khỏi châu Âu từ các mỏ ở phía Tây Siberia tới Trung Quốc, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2030. Đường ống mới có thể vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt hàng năm từ Nga đến Trung Quốc, đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ so với công suất 38 tỷ m3/năm của đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) đã đi vào hoạt động từ tháng 12-2019. Công suất đó lớn hơn nhiều so với tổng lượng khí đốt mà Nga đang xuất khẩu mỗi năm sang Đức, khoảng 35 tỷ m3.

Bắc Kinh phản đối Mỹ lên kế hoạch trừng phạt dầu Nga xuất sang Trung Quốc

Theo đài Sputnik, ngày 27-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh kịch liệt phản đối kế hoạch của Washington nhằm áp đặt lệnh trừng phạt lên dầu Nga xuất khẩu sang Trung Quốc.

Phát biểu trước các phóng viên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: "Trung Quốc kiên quyết chống lại các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp từ Mỹ". Phát ngôn viên khẳng định: "Trung Quốc và Nga tiến hành hợp tác kinh tế và thương mại bình thường dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau". Nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh việc hợp tác giữa Bắc Kinh với Moscow không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai, đồng thời nói thêm sẽ không dung thứ cho sự can thiệp từ bên ngoài.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio kêu gọi Mỹ trừng phạt việc Trung Quốc mua dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga. Ông Rubio đề xuất một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ tổ chức nào bảo hiểm hoặc đăng ký tàu chở dầu, vận chuyển dầu hoặc khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga.

AN BÌNH