Đường tiến quân vào Sài Gòn năm ấy!
(Cadn.com.vn) - Hồi ấy, cựu chiến binh (CCB) Đặng Hữu Hào (62 tuổi), ở P.Hòa Cường Bắc (Hải Châu, Đà Nẵng) là tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4. Đầu năm 1975, đơn vị ông đang đóng quân ở Quảng Bình thì nhận lệnh hành quân cơ giới vượt Trường Sơn, tiến vào Nam. Hàng trăm chiếc xe chạy suốt ngày đêm, hướng thẳng tới mặt trận. Ngồi trên xe, anh em hát vang các bài ca cách mạng. Ai cũng hừng hực ý chí giết giặc lập công và tràn đầy niềm tin chiến thắng.
Đại tá Đặng Hữu Hào. |
...Khi đến vị trí tập kết tại khu vực Định Quán (trên đường 20, thuộc tỉnh Đồng Nai), đơn vị gặp địch và nhanh chóng triển khai tấn công. Bọn ngụy lùi vào một khu đồi cao, ngoan cố chống trả, hòng ngăn chặn đường tiến quân của ta từ Lâm Đồng vào Sài Gòn. Đơn vị tấn công liên tục, với sức mạnh áp đảo và bừng bừng tinh thần quyết thắng. Địch chống cự yếu dần rồi tháo chạy. Quân ta truy kích sát gót. Phần lớn lực lượng địch hoảng sợ buông súng đầu hàng và rã ngũ, chỉ một số ít chạy thoát. Sau khi làm chủ Định Quán, Sư đoàn 341 nhận lệnh tham gia tấn công Xuân Lộc-"cánh cửa thép" phía đông Sài Gòn. Ông Hào kể: Đánh Xuân Lộc có 3 sư đoàn của Quân đoàn 4 (Sư đoàn 341, Sư đoàn 6, Sư đoàn 7) và lực lượng phối hợp của Quân khu 7. Bắt đầu tấn công lúc 4 giờ ngày 9-4-1975. Trận chiến giằng co, quyết liệt suốt 11 ngày đêm. Địch điên cuồng chống cự, phản kích, gây cho ta nhiều thương vong. Gần một nửa tiểu đội của ông Hào đã ngã xuống trong trận đánh khốc liệt này.
Ông Hào nhớ mãi người đồng đội thân thiết tên Soạn trong tiểu đội của ông. Soạn là xạ thủ B41 cùng với ông đào chung một công sự chiến đấu ở vị trí xuất phát tấn công. Chiều hôm trước, anh nuôi tiểu đoàn cấp cho mỗi người một nắm cơm. Gần sáng, hai anh em bàn nhau cùng ăn một nắm, để nắm còn lại trưa ăn. Sáng hôm đó, đơn vị ông tấn công vào phía bắc căn cứ Xuân Lộc. Quân ngụy hò hét "tử thủ". Bộ đội xung phong nhiều lần nhưng chưa vượt qua được bãi trống phía ngoài mục tiêu. Máu chiến sĩ ta loang đỏ trước tiền duyên căn cứ địch. Soạn ôm B41 lao lên, vừa nhảy qua hàng rào thì một quả đạn pháo nổ ngay trước mặt. Soạn bị nhiều vết thương, máu chảy đầm đìa. Các y tá khẩn trương băng bó, nhưng vết thương quá nặng, Soạn đã trút hơi thở cuối cùng ngay tại trận địa. "Trưa hôm đó, tôi không sao ăn cơm được, nhìn nắm cơm vắt mà nước mắt cứ ứa ra", ông Hào bùi ngùi.
Trước sự chống trả ngoan cố của địch, toàn mặt trận chuyển sang đánh địch phản kích và tấn công các mục tiêu ở vòng ngoài, đồng thời liên tục bắn pháo vào Xuân Lộc và sân bay Biên Hòa, thực hiện bao vây, cắt rời Xuân Lộc với Sài Gòn. Đường tiếp tế bị chặn, quân tiếp viện không đến được, địch ở Xuân Lộc trở nên hoang mang và trước nguy cơ bị tiêu diệt, đêm 20-4-1975, chúng cuống cuồng tháo chạy về phía Bà Rịa. Tiếp sau giải phóng Xuân Lộc, Quân đoàn 4 ào ạt tấn công trong hành tiến, đánh chiếm chi khu Trảng Bom, theo Quốc lộ 1A tiến đến Hố Nai, Biên Hòa. Sáng 30-4, đơn vị ông Hào lại gặp một chốt điểm địch gào thét "tử thủ" ở khu vực phía ngoài sân bay Biên Hòa. Lập tức, cả tiểu đoàn vận động tấn công. Sau một hồi chống cự, quân địch bỏ chạy tan tác. Bộ đội khẩn trương truy kích, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên. Mãi đến 1 giờ chiều ngày 30-4, đơn vị ông mới bắt được tên thiếu tá chỉ huy chốt điểm này. Hắn khai là hoàn toàn không biết Sài Gòn đã thất thủ...!
Đất nước thống nhất, ông Hào cùng đơn vị tham gia công tác quân quản ngay trên thành phố vừa sạch bóng quân thù. Năm 1976, ông được cử đi học tại Học viện Chính Trị và sau đó liên tục công tác tại Ban Tuyên huấn Quân khu 5. Ông về hưu năm 2010 với quân hàm đại tá. Giữa bộn bề cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn hăng say, năng nổ trong các hoạt động giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ. Hiện ông làm Trưởng ban Tuyên giáo Hội CCB TP Đà Nẵng. Nhắc đến những ngày tháng 4-1975, người cựu binh ấy vừa tự hào, vừa bồi hồi tưởng nhớ bao đồng đội đã hy sinh để có cuộc sống thanh bình, no ấm hôm nay.
Lê Văn Thơm