Báo Công An Đà Nẵng

Đường Trường Sơn ngày ấy, bây giờ (Bài 2: Kỷ lục gùi hàng bằng 1 vòng trái đất)

Thứ sáu, 17/05/2019 13:07

Suốt 4 năm gùi hàng, vũ khí và các loại nhu yếu phẩm trên tuyến đường Trường Sơn, Đại tá Nguyễn Viết Sinh (1941, trú xã Xuân Hòa, H. Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đã vận chuyển được 55 tấn hàng vào Nam với quãng đường dài 41.025km, tương đương bằng một vòng trái đất.

Đại tá Nguyễn Viết Sinh nhớ lại những năm tháng gùi hàng hóa, vũ khí, nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường miền Nam.

Tìm về nhà Đại tá Nguyễn Viết Sinh tại xã Xuân Hòa trong dịp cả nước đang hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn và 129 năm ngày sinh nhật Bác, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ở tuổi xưa nay hiếm, vị Đại tá già vẫn nhớ như in về những năm tháng ở chiến trường. Người xác lập kỷ lục gùi hàng trên tuyến đường Trường Sơn bằng quãng đường của một vòng trái đất giản dị, chân chất như mảnh đất sinh ra mình.

Đại tá Nguyễn Viết Sinh sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Viết Sinh lên đường nhập ngũ. Sau gần một ngày đêm ngồi trên chiếc xe phủ bạt kín mít, người lính trẻ cùng đồng đội đã đặt chân đến làng Ho, Quảng Bình. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn bộ binh 30, nhận nhiệm vụ tải hàng "tiếp lửa" cho chiến trường miền Nam.

"Thời điểm đó, quân ta vừa đi vừa mở đường, phương tiện cơ giới không an toàn nên các chiến sĩ phải gùi súng đạn, nhu yếu phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam. Ban đầu, tôi chỉ gùi được 15 - 20kg thôi nhưng ít ngày sau gùi quen hơn nên được 40- 60 kg. Có thời điểm tôi gùi được 75 kg, khối lượng hàng nặng hơn trọng lượng cơ thể khoảng 20kg. Cứ mỗi ngày đều đặn, chúng tôi đi quãng đường cả đi và về là gần 40km mà không nghỉ ngơi. Khi mới gùi hàng, nhiều lúc tưởng chừng như không thể chịu đựng được. Vai bị sưng phồng vì quai gùi siết chặt nhưng lâu dần những vết thương ấy trở nên chai sạn thành quen", ông Sinh nhớ lại.

Với khẩu hiệu "1kg hàng là đồng bào miền Nam đỡ đổ máu", ông Nguyễn Viết Sinh đã cùng đồng đội vượt qua địa hình đồi núi hiểm trở vận chuyển hàng nghìn chuyến hàng tiếp lửa cho miền Nam. Tham gia chiến trường với nhiều đợt gùi hàng vất vả, gian khổ nhưng những người lính Trường Sơn ăn uống hết sức thiếu thốn và bị đói, rét, bệnh tật hoành hành. "Tôi nhớ những ngày di chuyển ở Hạ Lào, trời mưa anh em hết thức ăn dự trữ nên cả đội chỉ có rau rừng và măng chống đói qua ngày. Thậm chí, có những thời điểm tôi và các đồng đội bị sốt rét nhưng vẫn phải cố gắng gùi hàng cho kịp khỏi bị máy bay bỏ bom", ông Sinh kể.

Chặng đường gùi hàng, nhu yếu phẩm phục vụ cho tiền tuyến miền Nam cũng hết sức gian khổ. Vượt qua từng con dốc cheo leo, dựng đứng, những người lính Trường Sơn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu. Ngày nắng, ngày mưa dầm gió bấc rét mướt nhưng không thể là rào cản đối với những người lính bộ đội Cụ Hồ. "Trời mưa đã vất vả nhưng sau mưa còn vất vả hơn, bởi con đường mòn trở nên lầy lội và trơn trượt. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, một phút sẩy chân là cả hàng và người đều có thể rơi xuống vực. Đã có nhiều đồng đội ngã xuống vì trúng bom, vì bệnh tật... khi đang đi gùi hàng. Sau những đau buồn, mất mát nhưng anh em vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chi viện được nhiều vũ khí, đạn dược, nhiều gạo cho chiến trường", người lính già xúc động.

Theo bảng thành tích gùi hàng vào chiến trường miền Nam với những con số ấn tượng trong 3 năm từ 1962- 1964, Đại tá Nguyễn Viết Sinh đã lập được kỷ lục về quãng đường đi bằng nửa vòng trái đất. Trong đó, năm 1962, ông gùi 13.553kg hàng trên đoạn đường 10.196km; năm 1963 ông gùi 9.365kg hàng và khiêng 23 cáng thương; năm 1964 ông mang vác 11.445kg, thồ 8.230kg, khiêng 62 ca thương binh trên đoạn đường 10.982km...

Với những kỳ tích trên, ngày 1-1-1967, ông Nguyễn Viết Sinh đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông là một trong những anh hùng đầu tiên ở Trường Sơn và được ra Hà Nội tham gia báo cáo điển hình.

"Lúc đó, tôi rất bất ngờ khi được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cứ nghĩ được ra Hà Nội gặp Bác Hồ là trong lòng phấn khởi và mong ngóng lắm. Cả đêm hôm đó, tôi không ngủ được vì háo hức. Thời đó, xe cộ chỉ ưu tiên cho việc vận tải súng đạn, lương thực, thực phẩm, còn những người lính đều phải đi bộ ra Hà Nội. Từ ngã ba Đông Dương, tôi băng rừng, lội suối 10 ngày đêm. Khi ra đến trạm Cổng Trời, đêm đến mắc võng nằm ngủ thì nghe Đài phát thanh đưa tin Hội nghị tuyên dương anh hùng. Không kịp tham dự Hội nghị, tôi đành quay về đơn vị nhưng trong lòng vẫn thấy tiếc nuối vì không được gặp bác Hồ", ông Sinh tâm sự.

Kỷ lục gùi hàng của Đại tá Nguyễn Viết Sinh đã được viết trong cuốn "Chân trần chí thép" được xuất bản vào tháng 4-2010, của Trung tá thủy quân lục chiến James G. Zumwalk viết về đường Hồ Chí Minh. "Trước khi xe cơ giới có thể lưu thông trên đường mòn, gùi hàng là cách thức vận tải chính yếu. Nguyễn Viết Sinh có lẽ là nhân vật minh họa rõ nhất quyết tâm của người tải hàng với mỗi lần gùi được 45-50kg. Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, anh đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km- tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo và mang theo 1 lượng hàng bằng với trọng lượng cơ thể", trích đoạn trong sách.

(còn nữa)

Dương Hóa

TT-Huế- Tối 15-5, tại quảng trường H. A Lưới (TT- Huế), Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy đã công bố và trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh cho tỉnh TT-Huế.

Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh TT-Huế có tổng chiều dài hơn 100km gồm ngã ba đầu đường 72 với đường 14B và địa điểm Bốt Đỏ, ngã ba đầu đường 73- đường 14B đều thuộc H.A Lưới.

H.L

Các cựu chiến binh và đại biểu tham quan hiện vật tại triển lãm.

Đà Nẵng- Từ ngày 16 đến 25-5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Quân khu 5 diễn ra triển lãm tranh ảnh, tư liệu với chủ đề "Đường Trường Sơn- Đường chiến thắng". Triển lãm trưng bày hơn 180 hình ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử được bố trí với kết cấu 2 phần chính, gồm: "Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" và "Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh tiếp tục sứ mệnh quang vinh trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước".

T.V.T