Báo Công An Đà Nẵng

Đường về không lẻ bóng

Thứ sáu, 01/07/2016 11:05

(Cadn.com.vn) - Để giúp phạm nhân hoàn lương sau khi mãn hạn tù, những năm qua, Trại Tạm giam CA tỉnh Quảng Nam đã làm tốt công tác giáo dục pháp luật, giáo dục công dân và mở nhiều lớp dạy nghề cho phạm nhân. Trở về và sống bằng nghề đã được học, hiểu giá trị của lao động là cách tốt nhất để những con người trót mắc lỗi lầm hoàn thiện mình, trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Thượng tá Nguyễn Thành Nhân - Giám thị Trại Tạm giam cho biết, vào thứ 7 hằng tuần, phạm nhân được giáo dục pháp luật, giáo dục công dân. Đây là hoạt động thường xuyên của Trại nhằm giúp phạm nhân nâng cao nhận thức về pháp luật, về đạo đức, lối sống. Không như những lớp học khác, lớp học này khá đặc biệt. Học sinh gồm những lứa tuổi không giống nhau, hành vi phạm tội cũng khác nhau và nhận thức tất nhiên không tương đồng. Chính vì vậy, giáo viên khá vất vả trong việc truyền đạt nội dung giảng dạy cho học viên. Ngoài nội dung giáo án được quy định, cán bộ quản giáo luôn đưa ra các tình huống để phạm nhân có cách nhìn nhận, tiếp thu và phản biện ở những khía cạnh khác nhau. Từ đó, phạm nhân dễ dàng ghi nhớ những quy định của pháp luật và cách ứng xử khi xảy ra tình huống cụ thể.

Để công tác giáo dục pháp luật, giáo dục công dân đạt hiệu quả, Trại đã lựa chọn những cán bộ có kỹ năng sư phạm để truyền đạt nội dung cần thiết đến các phạm nhân. Mỗi bài giảng đều chứa đựng những trăn trở, suy nghĩ của cán bộ quản giáo về con đường hoàn lương của phạm nhân. Trong những buổi học ấy, giáo viên luôn lấy thuyết phục là chính, dùng tình cảm để từng bước cảm hóa và trang bị kiến thức cho phạm nhân trước khi trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng.

Các phạm nhân lớp “Nề hoàn thiện” đang thực hành.

Phạm nhân Nguyễn Th. (1990, trú P. Minh An, TP Hội An) cho biết, khi bị bắt vì hành vi phạm tội, Th. cứ nghĩ vào Trại là ngày đêm đối diện với 4 bức tường lạnh lẽo. Sau khi vào Trại, Th. mới biết rằng, nơi đây còn mở mang kiến thức cho Th. “Tôi được cán bộ giảng giải về các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến phạm nhân và tái hòa nhập cộng đồng, về quyền và nghĩa vụ của công dân, về các chuẩn mực xã hội, kỹ năng sống... Không những được bồi dưỡng kiến thức, tôi còn được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với cán bộ và được cán bộ động viên để cải tạo tốt, làm lại cuộc đời” - Th. tâm sự.

Trả lời câu hỏi “Thế nào là sống có trách nhiệm?”, phạm nhân Lê Nho S. (1984, trú Quế Xuân 2, Quế Sơn) đã viết trong bài thu hoạch của mình: “Sống có trách nhiệm là tuân thủ những quy định của pháp luật, là làm tròn bổn phận, nghĩa vụ của công dân, là có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, ông bà, chăm sóc con cái... Tôi rất hối hận vì tôi đã sống thiếu trách nhiệm khi vi phạm pháp luật”. S. cho biết, những bài giảng của cán bộ quản giáo là hành trang quý giá để S. trở về với cộng đồng.

Khi chúng tôi có mặt tại Trại Tạm giam CA tỉnh Quảng Nam là lúc phạm nhân nơi đây đang thực hành trộn vữa, xây gạch, trát tường... Thượng tá Nhân cho hay, lớp học “Nề hoàn thiện” này do Trại Tạm giam phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh tổ chức, diễn ra trong 3 tháng với 300 tiết học. Tham gia lớp học, phạm nhân được cung cấp những kiến thức như: kỹ thuật làm móng, láng nền, kỹ thuật ốp, lát gạch men... Định kỳ, sẽ có các bài kiểm tra theo đúng chương trình học. Sau khóa học, ban tổ chức sẽ đánh giá và cấp chứng chỉ cho học viên.

Nói về kết quả lớp học, anh Bùi Thế Đạt, cán bộ Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh, giáo viên trực tiếp hướng dẫn cho các học viên chia sẻ, phần lớn phạm nhân đã thực hiện được các công việc của nghề nề hoàn thiện. Trong quá trình học, nhiều học viên tỏ ra say sưa và đặt câu hỏi, tìm tòi về kỹ thuật xây nhà. Phạm nhân Trần Bảo Nh. (1992, trú Quế Thọ, Hiệp Đức) phấn khởi nói: “Khi mới học, em thấy rất khó, nhất là việc láng nền. Bây giờ em đã có thể tô tường, láng nền và lát gạch men. Sau khi ra trại, em sẽ xin làm thợ xây...”.

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp phạm nhân sau khi ra trại vẫn “ngựa quen đường cũ”, bởi vì họ không có nghề nghiệp ổn định, thiếu sự quan tâm của gia đình, xã hội. Do vậy, giúp đỡ, tạo cơ hội cho những người lầm lỡ được học nghề là việc làm vô cùng cần thiết. Khi trở về địa phương, phạm nhân sẽ thuận lợi trong việc tạo lập công ăn việc làm, xây dựng hạnh phúc gia đình, hạn chế tái phạm. Và trong tái hòa nhập cộng đồng của những phạm nhân, ngoài những cán bộ ở Trại, cần có sự đồng hành, sẻ chia của các cơ quan chức năng, gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội. Bởi chỉ có tình thương yêu, sự giúp đỡ chân thành mới có thể giúp những người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng trở lại với đời, hoàn thiện mình để trở thành công dân có ích. Có như vậy, họ mới không lẻ bóng trên con đường về...

Ghi chép: Phương Nam