Báo Công An Đà Nẵng

Đường vùng cao huyện Phước Sơn khi nào mới hoàn thiện?

Thứ hai, 25/03/2024 07:16
Sau nhiều năm, các tuyến đường vùng cao của huyện Phước Sơn vẫn còn ngổn ngang, dang dở.

Tiến độ “rùa bò”

Hiện nay, tiến độ thi công 3 tuyến đường huyết mạch lên 5 xã vùng cao của huyện Phước Sơn, gồm: ĐH1 (đoạn Phước Kim - Phước Thành), ĐH2 (đoạn Phước Thành - Phước Lộc) và ĐH5 (đoạn Phước Công - Phước Lộc) vẫn còn ngổn ngang. Một số đoạn bị sạt lở từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.

Ông Hồ Văn Hùng (người dân thôn 2, xã Phước Lộc) cho hay, tuyến đường từ xã Phước Chánh vào đến Phước Công đã được sửa sang trở lại gần đây, nhưng đoạn từ cầu Khỉ vào đến xã Phước Lộc vẫn còn ngổn ngang, khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Trời nắng thì đi lại được, còn trời mưa lầy lội, nhiều đoạn sạt lở sâu, rất nguy hiểm. Tương tự, ông Hồ Văn Thương (trú thôn 3, xã Phước Thành) cho biết, đường sá hư hỏng, mọi người đi lại rất vất vả, đặc biệt là học sinh. Mỗi khi có việc phải ra trung tâm huyện hoặc sang các xã khác, bà con phải vượt qua nhiều đoạn đường sạt lở, rất lo lắng. Nhiều lúc trong xã có người đau ốm, việc di chuyển đưa ra trung tâm huyện cấp cứu gặp rất nhiều trở ngại, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân...

Chủ tịch UBND xã Phước Thành Hồ Văn Phức nhìn nhận, tiến độ thi công các tuyến đường qua địa bàn xã còn rất chậm, hiện nay mới chủ yếu làm cầu, cống, còn đường thì chưa thấy làm. “Theo tiến độ này thì cuối năm nay tuyến đường vẫn chưa thể làm xong. Việc thi công kéo dài ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Do đó địa phương mong muốn các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện các tuyến đường để tạo sự thông thương, đảm bảo việc đi lại”, ông Phức kiến nghị.

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất (BQL Dự án) huyện Phước Sơn, tuyến ĐH1 có chiều dài mặt đường hơn 18km với 2 cây cầu phải xây mới cùng hàng loạt công trình cống, tường chắn, công trình phòng hộ... với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Tương tự, tuyến ĐH2 có chiều dài mặt đường hơn 8km, tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng, tuyến ĐH5 có chiều dài mặt đường hơn 9km với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng.

Trong đó, tuyến ĐH1 khởi công tháng 1-2022, kế hoạch hoàn thành tháng 10-2024. Đến nay khối lượng thực hiện mới đạt khoảng 40% giá trị hợp đồng; tuyến ĐH2 khởi công tháng 5-2022, kế hoạch hoàn thành tháng 12-2024. Đến nay khối lượng thực hiện chỉ đạt 35% giá trị hợp đồng; tuyến ĐH5 khởi công tháng 4-2022, kế hoạch hoàn thành tháng 12-2024. Nhưng đến nay khối lượng giải ngân cũng chỉ mới đạt 35% giá trị hợp đồng.

“Nguyên nhân chậm do các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ; mưa lũ thường xuyên xảy ra gây xói lở nền mặt đường, nguy hiểm cho người tham gia giao thông và phát sinh thêm khối lượng thiết kế đối với tuyến ĐH2. Cả tuyến ĐH5 cũng gặp tình trạng tương tự, thậm chí có nhà thầu không triển khai thi công. Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, song nhà thầu vẫn cố tình không thực hiện”, ông Trần Hồng Quân - Giám đốc BQL Dự án huyện Phước Sơn thông tin.

Một số đoạn tuyến đang được thi công nhưng tiến độ rất chậm.

Thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo

Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, các dự án tái thiết nêu trên đều chậm tiến độ, chưa đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. “Đứng về phía nhân dân, chúng tôi thấu hiểu sự bất tiện của đồng bào khi lưu thông trên các tuyến đường này. Về phía quản lý nhà nước, chúng tôi thừa nhận sự thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện và đại diện chủ đầu tư. Các nhà thầu trúng thầu thi công các tuyến đường này đều liên danh từ 1 đến 4 nhà thầu, có doanh nghiệp năng lực tốt, làm có trách nhiệm, có doanh nghiệp năng lực hạn chế, chưa làm hết trách nhiệm đối với hợp đồng đã ký kết”, ông Trung nói.

Nói về nguyên nhân một số nhà thầu không chịu thi công sau khi trúng thầu, ông Lê Quang Trung cho rằng, những khó khăn về giá cả vật liệu xây dựng, xăng dầu và sự khan hiếm nguyên vật liệu là nguyên nhân khiến tiến độ thi công các tuyến đường bị chậm. “Tuy vậy, khi đã đấu thầu và ký kết hợp đồng thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm với hợp đồng đã ký kết. Thời gian thi công vẫn còn từ 8 đến 10 tháng nữa, UBND huyện đã và đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2024”, ông Trung khẳng định.

Để thúc đẩy các dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, theo ông Lê Quang Trung, thời gian đến, UBND huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo BQL dự án tăng cường theo dõi, bám sát hiện trường để đôn đốc các nhà thầu tăng cường thêm nhân lực, thiết bị, máy móc, triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng ca để tận dụng triệt để thời tiết thuận lợi đầu năm 2024 đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao tỷ lệ giải ngân nguồn vốn. Định kỳ hằng tuần/tháng/quý báo cáo tiến độ triển khai để UBND huyện nắm, chỉ đạo. Kiên quyết xử lý các trường hợp chậm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 26-2-2024.

Mới đây, tiếp xúc cử tri tại các xã vùng cao huyện Phước Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chia sẻ những bức xúc của cử tri liên quan đến tiến độ thi công các dự án tái thiết đường vùng cao thời gian qua. Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, các dự án khắc phục giao thông tại vùng cao huyện Phước Sơn đã được triển khai với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công các dự án vẫn quá chậm.

“Nhà thầu cứ lấy lý do là trượt giá, nguồn vốn khó khăn, vật liệu xây dựng khan hiếm... Tuy nhiên, hiện nay những khó khăn này đã tạm thời qua rồi, tôi đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ thi công. Làm dự án nào, hạng mục nào thì phải làm dứt điểm, không phải làm một lúc nhiều dự án rồi để người dân chờ đợi. Không để xảy ra tình trạng tiền nằm trong kho bạc mà người dân phải chờ đợi năm này qua năm khác” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

TRẦN TÂN