Báo Công An Đà Nẵng

Duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý

Thứ ba, 03/07/2018 08:14

Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Tham dự, có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và địa phương.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì điểm cầu tại Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.

Tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua 6 tháng của năm 2018, KT-XH của cả nước tiếp tục diễn biến tích cực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,08%, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây, tạo đà thuận lợi để đạt mục tiêu cả năm 6,7% đã đề ra. Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 13,02%. Xét ở khía cạnh tiêu dùng, cầu tiêu dùng tiếp tục tăng khá và cán cân thương mại thặng dư cho thấy xu hướng cải thiện trong tăng trưởng vẫn được duy trì. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm trong 6 tháng cuối năm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng. Tuy vẫn ở mức khá, nhưng để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7% thì cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV. Lý do là các quý cuối năm 2017 đã đạt mức tăng trưởng rất cao, nên tăng trưởng các quý cuối năm 2018 nếu đạt trên 6% là rất tích cực. Một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đạt khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%. Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì khả năng rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%. Dự báo tình hình kinh tế, thương mại thế giới 6 tháng cuối năm tuy có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng vẫn ở mức khá. Nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới sẽ không duy trì được đà tăng trưởng khá vào năm 2019 và có tác động rất lớn đối với các nước đang phát triển, nước có xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc dự phòng trước các phương án, đối sách để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng kinh tế hợp lý là rất cần thiết, trong đó tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển về chất lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực, qua đó tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị trong việc đánh giá tình hình sau 6 tháng đầu năm 2018 và cho rằng “Qua một ngày làm việc, các ý kiến đã tập trung thảo luận 18 vấn đề chủ yếu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển đô thị, kinh tế tư nhân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và các vấn đề xã hội bức xúc khác... Chính phủ sẽ xem xét xử lý từng kiến nghị cụ thể để tạo môi trường phát triển bền vững”.

Về các khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng chỉ ra mấy nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ không đáng có là: kỷ cương phép nước chưa nghiêm, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng kéo dài; cán bộ quan liêu, xa dân trong nhiều vấn đề nên việc huy động sức dân còn hạn chế. Để khắc phục có hiệu quả những vấn đề trên, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành cần hủy bỏ, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không hợp lý và phải làm nhanh và mạnh hơn nữa, lấy mục tiêu, hiệu quả làm thước đo để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch, không kéo dài tình trạng này tiếp tục trì trệ, ràng buộc doanh nghiệp phát triển. “Cán bộ phải suy nghĩ để tìm giải pháp, tiếp tục bổ sung động năng, động lực mới cho tăng trưởng của 2 quý còn lại của năm 2018 và những năm tiếp theo” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, bám sát phương châm “Kỷ cương-liêm chính-hành động-sáng tạo-hiệu quả” trong mọi nhiệm vụ, giải pháp và hành động. Các cấp, các ngành nếu chưa thực hiện thì phải thực hiện ngay, nếu đã thực hiện thì phải thực hiện tốt hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn. Liên quan đến tình hình ANTT, an toàn xã hội, Thủ tướng cho rằng, trong tháng 6 đã có một số vụ biểu tình, bạo động diễn ra ở một số địa phương, do đó, trong các tháng cuối năm, các ngành, các cấp cần tập trung công tác thông tin, tuyên truyền để hướng dẫn người dân hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước; xử lý nghiêm theo pháp luật những kẻ chủ mưu, lợi dụng, kích động biểu tình, bạo loạn.

Thủ tướng đề nghị “Thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp tăng cường nắm tình hình thực tế, dành thời gian thỏa đáng trực tiếp đối thoại, giải trình, trả lời kiến nghị của người dân, tập trung giải quyết căn bản những vấn đề xã hội bức xúc ở cơ sở. Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động phương án xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ, phát sinh những “điểm nóng” gây phức tạp về ANTT”.

PHƯƠNG KIẾM

Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm năm 2018

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Tình hình KT-XH của TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng lượng khách tham quan, du lịch ước đạt 4 triệu lượt, tăng 29,4%, trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt, tăng 47,1%; tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 52,4%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 18.828 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Hiện nay, TP đang tập trung hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công và đẩy nhanh tiến độ các công trình và nhóm công trình trọng điểm năm 2018 như: Dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng; Dự án phát triển bền vững; tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh; xây dựng các nút giao thông khác mức, các khu đỗ xe công cộng nhằm tránh ùn tắc giao thông; nâng cấp mở rộng hệ thống thu gom và xử lý nước thải…

“Tuy nhiên, tình hình 6 tháng đầu năm vẫn còn một số mặt hạn chế: sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp; thu ngân sách trên một số lĩnh vực còn thấp; tiến độ giải ngân các công trình XDCB còn chậm. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, nhất là quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Tình hình an ninh trật tự xã hội còn tiềm ẩn các vấn đề phức tạp” - Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận.

P.K