Báo Công An Đà Nẵng

Duy trì nghề biển ở khu tái định cư Nam Hội An

Thứ năm, 19/01/2017 10:04

(Cadn.com.vn) - Những ngày cuối năm không khí lao động trên công trình xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam) vô cùng nhộn nhịp, khẩn trương. Công nhân đang đóng nền móng, hoàn thiện hệ thống thoát nước ngầm. Gần đó người dân sống trong những ngôi nhà khang trang của các khu tái định cư (TĐC) cũng đang sửa soạn đón năm mới. Trên những con đường bê-tông rộng rãi, những gương mặt trẻ em phơi phới đến trường. Không còn bóng dáng của một vùng cát trắng cằn cỗi. Diện mạo của một vùng phức hợp du lịch nghỉ dưỡng đang dần hé hộ... Sau hàng chục năm là dự án treo, dự án Nam Hội An đã trở lại và đẩy nhanh tiến độ. Năm 2016 là một năm đầy khó khăn, biến động với người dân vùng qui hoạch Nam Hội An bởi khi công trình bắt tay vào thực hiện cũng bộc lộ không ít bất cập. “Mùa nắng không có nước sinh hoạt, đèn điện không ổn định khiến người dân lo âu. Khu TĐC này đã xây dựng được mấy năm rồi nhưng gia đình tui mới chuyển vô đây mấy tháng ni. Nhưng rồi cũng từng bước cải thiện đời sống dần, bây giờ tui cũng quen chỗ ở mới. Chỉ hy vọng công trình sớm hoàn thiện, đời mình chịu cực để con cháu sau này có cái ăn cái để”, ông Phan Phước Năm (khu TĐC Tây Sơn Đông) cho biết. Trong năm qua, để nhanh chóng có mặt bằng sạch cho đơn vị thi công, chính quyền xã, huyện, tỉnh đã liên tục có mặt vận động giải quyết rốt ráo các vấn đề để người dân sớm an tâm ổn định chỗ ở. Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải chia sẻ, cả chính quyền và người dân đã gặp không ít khó khăn kể từ khi nơi đây được đưa vào qui hoạch. “Biết bao nhiêu kiến nghị, khúc mắc được người dân trình lên từ hệ thống điện đến nước sinh hoạt rồi vấn đề công ăn việc làm, đền bù nhà cửa. Phải nói là một năm đầy biến động với người dân nơi đây vì phải thay đổi toàn bộ đời sống, thói quen sinh hoạt. Chính quyền cũng đã huy động 100% khả năng để giải quyết vấn đề cho người dân. Rồi hàng chục buổi vận động, giải thích ý nghĩa của dự án cho người dân hiểu để đồng lòng cùng địa phương tháo gỡ khúc mắc. Đến nay có thể nói rằng đời sống người dân ở các khu TĐC đã đi vào nền nếp”. Ông Thống cho biết hệ thống cấp nước sinh hoạt cho khu TĐC do Công ty Cấp thoát nước Quảng Nam thi công. Nguồn nước được lấy từ Hội An, dẫn ống dưới chân cầu Cửa Đại, rồi qua đường DH6b.DX mới tới khu TĐC đã đưa vào sử dụng được 6 tháng giúp giảm thiểu tình trạng nhiễm phèn. Bên cạnh đó hệ thống đèn đường cũng đã được hoàn thiện kịp cho người dân vui xuân.

Đời sống của người dân ở các khu TĐC đang dần ổn định.

Trong số những vấn đề khiến người dân lo lắng, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề như thế nào trở thành đề tài nóng. Theo quy hoạch, xã Duy Hải bị giải tỏa trắng 1000ha để nhường đất cho dự án. Tính đến nay 163 ha đã được thu hồi, 178 hộ dân cũng được di dời lên khu TĐC mới. Tuy nhiên vấn đề việc làm trở thành nỗi lo lớn nhất. Bên cạnh số lao động trẻ tự tìm việc làm như công nhân may, phụ hồ thì lao động lớn tuổi vẫn chưa biết làm gì. Theo ông Thống, việc quy hoạch vùng ven biển rất nhạy cảm bởi người dân chủ yếu làm nghề chài lưới. Phải làm sao để có thể hài hòa công ăn việc làm cho người dân. Rút kinh nghiệm từ những vùng qui hoạch ven biển khác trên cả nước, chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn nỗ lực duy trì nghề đi biển truyền thống của người dân. Theo quy hoạch sẽ có thêm 1 khu TĐC Thuận An - An Lương nằm trên địa bàn xã Duy Hải. Khu TĐC này nằm ven biển, từ thôn An Lương (xã Duy Hải) chạy về thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa) theo hướng phía đông cầu Cửa Đại. Mong muốn của chính quyền và người dân ở đây là khu TĐC này gắn với quy hoạch lại bến cá An Lương, bởi 65% người dân ở đây làm nghề biển. Hướng đi mà họ nhắm đến là chồng đi biển, vợ thu mua - bán thủy - hải sản; kiện toàn lại các điểm, cơ sở làm nước mắm, phơi, hấp cá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phục vụ khách du lịch đến tham quan.

H.D