Báo Công An Đà Nẵng

Duyên & nghiệp

Thứ sáu, 17/08/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Đến lúc tốt nghiệp đại học, tôi chưa một lần có ý định chọn nghề báo lập nghiệp. Ước mơ của tôi là được làm cô giáo. Nhưng, khi đem hồ sơ đến nộp tại Sở GD-ĐT tỉnh QN-ĐN (cũ), tôi đã bị từ chối với lý do “chỉ nhận bằng sư phạm, không nhận bằng cử nhân”. Thất vọng, tôi cầm hồ sơ về, không ngó ngàng đến chuyện đi xin việc. Sốt ruột, nên khi nghe người yêu cho biết, Báo CA Quảng Nam- Đà Nẵng đang tuyển phóng viên, cô bạn thân đến nhà lôi tôi đi. Đến tòa soạn, gặp lúc Tổng biên tập Lê Minh Hùng đang ở phòng khách. Lướt qua hồ sơ, anh “phỏng vấn”: “Em có học gì liên quan đến báo chí không?”, “Dạ, có học chuyên đề về Báo chí 60 tiết”. “Được mấy điểm?”. “8 điểm ạ!” “Lớp có mấy điểm 8?”. “Em không nhớ rõ,  nhưng cũng không nhiều, khoảng trên dưới 10 bạn”. “Thế lớp có bao nhiêu SV?”. “Dạ, gần 50 SV”. “Được rồi, em vào phòng trong đưa hồ sơ cho anh Phan Chí Thân. Nói là anh đã xem qua”. Anh Thân thì hỏi: “Có thích đi làm báo không?”. Thay vì trả lời là “thích”, tôi lại thật thà: “Em chưa hiểu biết về nghề này lắm, nên cũng không biết ra sao. Nhưng, em muốn thử sức”. “Đầu tuần sau, thứ hai, đúng 7 giờ, có mặt tại tòa soạn nhé”. Được tiếp nhận khá nhanh, tôi đâm hoảng: “Dạ cho em đầu tháng 8 được không ạ?”. Anh ngạc nhiên: “Vì sao?”. “Em muốn có thời gian đọc báo CA để hiểu... Từ trước tới nay, em chỉ toàn đọc báo Văn nghệ thôi”. Đến lúc này thì anh phá lên cười: “Người ta xin việc chỉ mong mau chóng được nhận đi làm ngay. Em lại xin khất”.

 Nhà báo Phan Thủy (thứ 3 từ trái qua) và những nữ đồng nghiệp tại Ban Phóng viên.

Với tôi, đó là dấu ấn không thể nào quên. Chính sự không quan cách ấy đã giúp tôi tự tin bước vào nghề báo. Sau này khi đã trở thành “người nhà” của Báo, tôi phát hiện, hầu hết các anh chị em trong đơn vị, từ lãnh đạo đến nhân viên, ai cũng vậy, không quan cách, rất thân thiện... Thời điểm tôi về báo, Ban P.V rất ít nữ. Tôi là P.V nữ tập sự nhỏ tuổi nhất, bé nhất. Vậy nên, tôi được các anh chị chiếu cố nhiều lắm. Nhất là cái tính khí trẻ con, nông nổi. Không được làm cô giáo, nhưng tôi lại được Ban phân công phụ trách mảng giáo dục. Ngẫm ra cũng thật có duyên...

Hơn 16 năm “bám trụ” Báo, không phải lúc nào trong tôi cũng hừng hực nhiệt huyết. Những lúc cảm thấy cuộc sống ngột ngạt, tôi lại nhớ đến lần “cứu nguy” của anh Nguyễn Thiếu Hoàng- nguyên Phó Giám đốc CA tỉnh Ninh Thuận. Chả là, cùng đến Ninh Thuận công tác, nhưng một bậc đàn anh làm ở một tờ báo Trung ương tỏ ra khá... “hách”,  cho rằng tôi làm báo nhỏ, anh ấy làm báo lớn... Nghe chuyện, anh Thiếu Hoàng nói: “Với tôi, chẳng có báo nào là lớn, báo nào là bé cả. Vì sao? Vì chức năng của báo là phản ánh, tuyên truyền, là đấu tranh chống tiêu cực, ca ngợi việc tốt... Không lẽ, “báo lớn” có chức năng ấy, còn “báo bé” thì không?”. Hôm sau, tôi được lãnh đạo Phòng Công tác chính trị mời lên  để gặp. Tại đây, các anh cho biết, Phó Giám đốc có “lệnh”, sẽ đáp ứng mọi yêu cầu để tôi hoàn thành tốt chuyến công tác. Sau này, tôi mới biết, chính thái độ không “vạch áo cho người xem lưng”, không nổi nóng đôi co với đồng nghiệp nam của tôi đã tạo ấn tượng tốt trong vị Phó Giám đốc CA tỉnh. 

Mới đây, trong một lần trò chuyện, bạn tôi hỏi: “Với nghề báo, điều gì khiến bạn lo sợ nhất?”. Tôi bộc bạch: “Với mình, sợ nhất là mất đi chất lửa, mất đi lòng đam mê và góc nhìn trơ cảm xúc...”. “Đến giờ, bạn đã mất đi một thứ nào chưa?”. Tôi thở dài thú nhận: “Đã vơi đi ít nhiều”. Bạn lại giả sử: “Nếu có một ngày, mất đi tất cả điều đó, bạn sẽ làm gì?”. Tôi thành thật đáp: “Thì mình sẽ thôi làm phóng viên...”.

Nói đến đây, sống mũi tôi chợt cay cay. Bởi tôi biết, với tôi, được đi và viết vừa là duyên vừa là nghiệp.

Phan Thủy