Báo Công An Đà Nẵng

EAS và vị thế của Canada

Thứ bảy, 18/11/2017 10:25

Việc Thủ tướng Justin Trudeau tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), diễn đàn chính của các cuộc thảo luận về an ninh khu vực và toàn cầu, là dấu hiệu cho thấy, các cuộc cải cách mạnh mẽ của Canada trong khu vực đã được đền đáp xứng đáng.

Canada lần đầu tiên được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EAS với tư cách quan sát viên. Và tại đây, Thủ tướng trẻ tuổi Trudeau tham dự các cuộc hội đàm thượng đỉnh cùng với những nhà lãnh đạo các cường quốc thế giới về tình hình mong manh ở Triều Tiên. “Đây là lần đầu tiên Canada có mặt ở EAS... đó thực sự là một việc lớn”, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland  nói. Theo vị thủ lĩnh ngoại giao của Canada, “chính phủ của chúng tôi đang thực hiện cam kết - Canada đã trở lại - và thế giới đang nhận ra điều đó”.

Sau hội nghị lần này, Canada sẽ chính thức đề nghị tham gia như một thành viên thường trực, đánh dấu việc mở rộng của EAS trong hơn 5 năm qua. 2011 là năm cuối cùng có thêm Mỹ và Nga đã được mời tham gia. 18 thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh phải đạt được sự đồng thuận về việc có nên bãi nhiệm tạm thời thành viên hiện tại và cho phép Canada tham gia. Thực tế, Canada đã bổ nhiệm đại sứ đầu tiên chuyên trách về ASEAN, Marie-Louise Hannan.

Canada trước đó cũng mở cơ quan đại diện ngoại giao thường trực đầu tiên tại Myanmar và đã mở 2 văn phòng mới tại Campuchia và Lào, nghĩa là Ottawa có đại diện ngoại giao ở tất cả các nước thành viên của EAS. Và các thành viên EAS cũng dường như đã sẵn sàng mở cửa chào đón Canada. Rõ ràng, với việc tham gia EAS, Canada nhìn thấy cơ hội củng cố vị thế của mình trong khu vực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục leo dốc về hướng cô lập, giảm sự hiện diện ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Ví dụ, trong một bài phát biểu với các đại biểu APEC tại Đà Nẵng, ông Trump cảnh báo sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” và tránh các giao dịch thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (hiện đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Washington rút lui). Và nhiều người cho rằng, Canada nên tận dụng thời điểm hiếm hoi này. Trong khi TPP đối mặt với tương lai chưa chắc chắn, Thủ tướng Trudeau thúc đẩy các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa Canada và ASEAN.

Vị thế đang lên cùng với mối quan hệ tốt với các nước Châu Á cũng giúp Canada rất nhiều trên con đường tham gia cuộc đua giành ghế Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2021-2022 (Theo kế hoạch, Đại Hội đồng LHQ sẽ không bỏ phiếu bầu chọn các thành viên không thường trực cho đến cuối năm 2020).

THANH VĂN