Báo Công An Đà Nẵng

El Nino nhìn từ Quảng Nam (2)

Thứ ba, 01/03/2016 09:56

* Bài cuối: Nỗi lo biển lấn bờ

(Cadn.com.vn) - Trong khi bài toán sạt lở tại bãi biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) vẫn chưa được giải thì hàng loạt những điểm xâm thực khác đã bắt đầu nhen nhóm. Người ta đã dần hiểu ra rằng vấn đề xâm thực bờ biển Quảng Nam không phải chỉ là vấn đề đơn lẻ mà nó nằm trong hệ quả tất yếu của sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Biển Cửa Đại sạt lở nằm trong hệ quả của sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khi các khu nghỉ dưỡng tự cứu mình

Quảng Nam hiện nay là một trong những tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn xâm thực. Theo các kết quả nghiên cứu thủy văn những năm qua, tốc độ dâng của mực nước biển trung bình năm tại thành phố Hội An tăng khoảng hơn 0,5 cm/năm, như vậy có thể thấy được sự ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu đến mực nước biển dâng tại thành phố này nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Lần đầu tiên, chủ khu nghỉ dưỡng du lịch tại bờ biển Cửa Đại - Hội An (Quảng Nam) mời các nhà khoa học, chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp, vật liệu... trong và ngoài nước về gấp rút bàn cách cứu bãi biển này, mà trước tiên đó là cứu chính mình. Từng là những resort lớn thu hút hàng trăm khách du lịch mỗi ngày nhưng đến nay Palm Garden Resort cùng hàng chục nhà hàng khách sạn khác đang hốt hoảng vì biển đang nuốt dần từng viên gạch. Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thành Sang (chủ khu nghỉ dưỡng Palm Garden) gọi đây là tình thế nước sôi lửa bỏng bởi mặc dầu đã là hội thảo thứ 4 có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài nhưng vẫn chưa thể tìm ra phương án hiệu quả, bãi biển Cửa Đại vẫn chịu trận trước những cơn sóng lớn. Ông Sang cho biết: "Vấn đề sạt lở biển Cửa Đại đến nay không chỉ gói trong việc cứu nguy cho một bãi biển đẹp mà còn là vấn đề sống còn của cả khu phố cổ Hội An. Bây giờ chỉ cần có phương án khả thi chúng tôi sẽ quyết theo đến cùng". Nhiều chuyên gia nhận định đây không chỉ là vấn đề liên quan đến đầu tư, xây dựng mà còn là cả một chiến lược lâu dài gắn liền với việc giữ gìn khu vực ven biển Quảng Nam.

Biển lấn bờ, kế sinh nhai của hàng trăm con người ven phố cổ bỗng nhiên mất đi, hàng chục khu nghỉ dưỡng cao cấp lâm cảnh lao đao, kéo theo đó là du lịch của TP Hội An cũng bị ảnh hưởng. Những tuyến kè hàng chục tỷ đồng dường như cũng không đủ sức để chống chọi lại sức tàn phá của thiên nhiên. Ở những nơi có kè còn vậy, còn tại những vùng biển chưa được khai thác du lịch thì tình trạng biển xâm thực còn nặng nề hơn. Theo kịch bản biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tình trạng ngập lụt chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển có địa hình thấp, với tổng diện tích bị ngập khoảng hơn 306 km2; trong đó, địa phương bị ngập nhiều nhất là thành phố Hội An với hơn 27% diện tích bị ngập; tiếp theo là các H. Điện Bàn 26%, H. Duy Xuyên gần 16% và H. Núi Thành 15% diện tích bị ngập.

Nguồn nước tưới nhiễm mặn, hạn hán kéo dài khiến nông dân lâm cảnh lao đao.

Sông ngòi nhiễm mặn

Một hệ quả khác của xâm thực đến đất liền mà đặc biệt là đất nông nghiệp đó là tình trạng nhiễm mặn. Ngành thủy lợi Quảng Nam đang đối diện với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Chưa bao giờ nạn hạn hán, xâm nhập mặn và tác động biến đổi khí hậu đến sớm và khắc nghiệt như hiện nay. Lúa chết; hoa màu, cây trái héo khô, trụi lá; người dân vùng ven biển thiếu nước sinh hoạt... Ông Lương Văn Bảy (65 tuổi) cho biết: "Hiện nay lúa đang bước vào thời kỳ làm đòng nhưng tình trạng thiếu nước, nước bị nhiễm mặn khiến nông dân chúng tôi rất lo lắng".

Tại Quảng Nam thì vùng Điện Bàn ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong 3 năm trở lại đây, nước thượng nguồn đổ về giảm sụt nên hạ du sông Thu Bồn, Vu Gia thiếu hụt nước ngọt trầm trọng, do đó nước trên 2 con sông này mặn xâm nhập sâu. Khốc liệt nhất là vụ hè thu, nếu không có biện pháp thì mỗi năm có hàng ngàn héc-ta lúa trên địa bàn bị bỏ hoang. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nước trên sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) liên tục nhiễm mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Nam đã khẩn cấp đắp đập bổi chặn dòng ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện ngay trong tết. Con đập này có mức đầu tư 1,3 tỷ đồng với chiều dài 100m, cao 7m được làm bằng cát để giữ nước ngọt ở hạ lưu trạm bơm Tứ Câu. Thế nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi con đập tiền tỷ này chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian ngắn, đến mùa mưa lũ sẽ bị cuốn trôi.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng thị xã Điện Bàn, cho biết: "Tình trạng này đã diễn ra liên tiếp trong những năm gần đây, mỗi năm phải tốn tiền tỷ cho chi phí đắp đập để có thể đảm bảo nước tưới cho 1.900 ha lúa và hoa màu. Để có nước tưới cho lúa, hầu hết các trạm bơm đóng ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam phải hoạt động theo giờ, theo từng thời điểm và thường xuyên quan trắc độ mặn. So với năm trước, thời điểm năm nay mặn xâm nhập sớm và nồng độ cao hơn gấp nhiều lần".

Đồng Dao