Ép dân đóng góp xây dựng nông thôn mới: Vì đâu nên nỗi ?
(Cadn.com.vn) - Trong mấy ngày gần đây, thông tin về người dân ở xã Tân Thủy (H. Lệ Thủy, Quảng Bình) ca thán về việc bị ép nộp các khoản tiền để xây dựng nông thôn mới (NTM) bất chấp mọi đối tượng như người nghèo, người tàn tật, người "gần đất xa trời", diện bị trợ cấp chất độc da cam,... khiến dư luận không khỏi bức xúc. Điều này chứng tỏ, chẳng những cán bộ lãnh đạo, quản lý địa phương không hiểu đúng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM mà còn là việc làm hết sức chủ quan, duy ý chí, nóng vội và thiếu cái "tâm" của người lãnh đạo, quản lý gây nên những bức xúc, thậm chí phản cảm cho nhiều nông dân ở địa phương.
Xây dựng NTM là chủ trương lớn nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Do vậy, nếu để thực hiện NTM mà người dân khốn khó hơn, túng quẫn hơn, thậm chí phẫn nộ thì rõ ràng mục tiêu lớn sẽ không đạt được nếu không muốn nói là "trái với mục tiêu" đặt ra. Cần nhớ rằng, chủ thể của NTM chính là người nông dân, một khi không có sự ủng hộ từ phía người dân, người dân chưa phát huy tính tích cực, chủ động tham gia một cách tự nguyện vào xây dựng NTM thì cái lỗi lớn nhất thuộc về cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương.
Thực tế cho thấy, cán bộ lãnh đạo (trực tiếp hoặc gián tiếp) ở nhiều địa phương chưa hoàn toàn nắm bắt và thấu hiểu hết được vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như nắm bắt, xử lý những mối quan hệ tồn tại và nảy sinh khi tiến hành thực thi Chương trình xây dựng NTM, dẫn đến cách làm hết sức chủ quan, duy ý chí, nóng vội và mang tính thành tích, bệnh phong trào khi huy động các nguồn vốn để thực thi NTM như hiện nay. Nhiều địa phương còn lơ là, xem nhẹ công tác tuyên truyền để người dân hiểu về vai trò, ý nghĩa, mục đích, quyền lợi, nghĩa vụ của mình về NTM, khiến xây dựng NTM là "sân khấu" của một số cán bộ để "trình diễn" thành tích chứ không phải là nơi mà người nông dân với vai trò chủ thể, tích cực chủ động tham gia và xây dựng thôn xóm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống.
Khi hỏi về "Vấn đề lo lắng nhất của ông (bà) khi xã nhà tiến hành xây dựng NTM là gì?" thì có đến 97,5% số người được hỏi (nông dân) cho rằng đó chính là "đời sống không được cải thiện" và vấn đề "được mùa mất giá", "mất mùa ngay trong kho", "làm dễ bán khó" luôn hiện hữu trong sự lo lắng đó của họ. Người nông dân phải tự bươn chải và tự xoay xở từ khâu giống, sản xuất đến đầu ra cho sản phẩm để bán được nông phẩm, cải thiện đời sống. Đáng lẽ ra, điều mà chính quyền cấp xã cần làm là "lo cho cái lo của nông dân, nghĩ về cái nghĩ của nông dân" mà hỗ trợ các phương thức canh tác, đầu ra cho nông sản thì đằng này phải "đè đầu thu phí" không từ mọi đối tượng thì thật là không thể chấp nhận được.
Đường bê-tông nông thôn ở Tân Thủy (H. Lệ Thủy). Ảnh: S.T |
Cũng không bất ngờ khi được hỏi về "Đánh giá của ông (bà) về thực trạng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã nhà như thế nào ?" thì có đến 46,0% nông dân được hỏi cho rằng "còn nhiều vấn đề nổi cộm cần được giải quyết", 21,7% nhận định "đang ở trạng thái làm theo phong trào, chưa có chuyển biến gì lớn". Những vấn đề "nổi cộm cần được giải quyết", theo người nông dân, đó chính là sự thiếu dân chủ trong triển khai thực hiện, sự thiếu minh bạch trong công khai các khoản tài chính mà người dân đóng góp, sự áp đặt và cào bằng các khoản đóng góp theo kiểu "đếm đầu chia xôi" khiến nông dân cảm thấy bức xúc.
Hiện nay, chính người nông dân cũng đã nhìn nhận và thể hiện lo lắng rằng, triển khai NTM còn phát sinh bệnh hình thức (41,5%), bệnh thành tích (39,6%), bệnh phong trào (33,1%), vấn đề tham nhũng (37,6%), như vậy không thể nói là nông dân họ "mù thông tin" và "trình độ hiểu biết thấp", ngược lại họ cũng ý thức được quyền, nghĩa vụ và những chính kiến hết sức xác đáng về những vấn đề tồn tại, phát sinh trong xây dựng NTM.
Chương trình NTM là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước thì không thể có chuyện làm qua loa, chiếu lệ, "đầu voi đuôi chuột"; càng không thể chỉ đạo theo kiểu chụp giật, nóng vội, duy ý chí hay mệnh lệnh hành chính, quan liêu. Sự việc xảy ra ở Tân Thủy, Lệ Thủy chỉ mong là cá biệt và nhất thời, và tất nhiên cần phải có những nhìn nhận như một bài học tày liếp trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện NTM trên địa bàn các xã toàn quốc. Điều trước mắt cần phải cải thiện phương thức quản lý theo kiểu hành chính, quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh sang kiểu phục vụ, lấy lợi ích chính đáng của người nông dân làm mục tiêu, cải thiện quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, từng bước khơi dậy niềm tin và nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của nhân dân nói chung, của người nông dân nói riêng về công cuộc xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước ta.
TS. Phạm Đi