Ét- vê ở trọ
(Cadn.com.vn) - Cậu em ở quê là H., thi đỗ vào 2 trường đại học, ông cậu hết sức vui mừng bày biện mâm này cỗ nọ để liên hoan ăn mừng. H. chọn Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Khi tiễn con nhập học ông cậu dặn đi dặn lại "Lo mà học hành nghe con, quê mình nghèo, nhà mình nghèo... không học thì chả làm gì được cả. Mà thấy mấy đứa vừa bị trường nó đuổi học chưa, vì bia rượu cả đó con. Nhớ đó, lo mà học". Và, không phải vô cớ mà ông cậu trăm lo nghìn lắng như thế...
Tân sinh viên hăm hở nhập học... |
Nhập gia tùy... tửu lượng
Liên hệ thuê phòng trọ, nơi ăn chốn ở tại Đà Nẵng, H. nhờ tôi cả. Chiều, tôi nhận được điện thoại: mời anh đi nhậu. Một lý do rất đơn giản, ngay chốn trọ vừa thuê có mấy người chung trường và chung ngành với H. bảo rằng phải chào phòng... Để thay đổi không khí cái chốn phòng trọ dăm người mười mấy mét vuông, cả nhóm quyết định tạt ra những quán nhậu ở đường Nguyễn Tất Thành ven biển để đổi gió.
Thế là một cuộc nhậu rình rang giữa "ma cũ - ma mới" chốn giảng đường bắt đầu. Cậu thứ nhất có vẻ là người Nghệ An, cứ đến cuối câu lại nhấn dấu thật nặng: "Chú cứ theo anh, đảm bảo một năm sau chú không hơn anh thì cũng chả thua ai về bia rượu. Học hành nó cũng phải có giờ có giấc, cứ lao đầu cắm cổ vào mà học thì tiếc tuổi thanh xuân lắm".
Cậu thứ hai thì thao thao bất tuyệt câu nói của cố nhân "Trăm năm bia đá cũng mòn/Ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ" mà cậu ta cố ý khắc ngay cánh cửa chốn phòng trọ khiến bạn khác giới đến phòng là xanh mặt xanh mũi. Cậu thứ ba thì nghiền ngẫm hơn, pha lẫn vẻ văn chương chí cổ: "Rút gươm chém nước, nước càng chảy/Nâng chén tiêu sầu càng sầu hơn". Một vẻ u sầu hiện lên trên khuôn mặt thanh tú nhưng sạm đi vì bao đêm mất ngủ.
Những lý thuyết cơ bản được những cậu sinh viên đúc kết: "Này nhé, trông bàn này ai to nhất, uống trước. Mà đã là uống thì phải rượu trái gái phải nhé, theo trật tự hẳn hoi. Uống không được chừa lại giọt nào thế mới là uống...". H. ngồi nãy giờ buồn vu vơ, bất chợt cũng thảng thốt lên được một câu, tôi đoán chắc là học của mấy ông ở xóm, làng: "Uống rượu phải chừa lại một tí trong ly chứ các anh nhỉ. Nếu mình cạn hết, uống hết thì có chăng là cạn tình cạn nghĩa". Tiếng vỗ tay nghe bộp bộp từ những bậc đàn anh có lẽ vì nể chủ chi bữa nhậu hơn là cái "lệ" làng ấy.
Sau những cái "dzô" thật nhiệt tình của cậu em là H., bây giờ các bậc đàn mới bắt đầu kèm cặp: "Ông cha ta bảo rằng một đêm nằm bằng ba năm ở, đối với các anh thì một đêm nhậu bằng... ba năm học. Chỉ có chốn này ta mới trao đổi kiến thức, tâm tư nguyện vọng tốt nhất thôi"(!).
Tôi nghe mà tá hỏa. Sau chầu nhậu, tôi mới biết rằng trong các cậu sinh viên đàn anh ấy có cậu gánh đến 3 món nợ: nợ một môn thi tốt nghiệp, nợ chủ phòng trọ và nợ tấm bằng về báo cáo với bố mẹ ở quê. Đó là chưa nói có trường hợp bị đuổi thẳng vì tham gia cá độ bóng đá, trộm cắp. Có cậu đến năm thứ 6 rồi mà vẫn còn nấn ná ở Đà Nẵng.
Sau chầu nhậu, ai nấy về phòng và phải đến trưa hôm sau, cả xóm trọ mới lọ mọ thức giấc. Nhưng chưa tỉnh bữa rượu bia chí tử hôm qua thì cái giọng quen thuộc của cậu sinh viên không biết năm này là năm thứ mấy người Nghệ An: "Tranh thủ tối làm chầu nữa mấy anh em nhỉ. Hôm qua chỉ là nháp thôi, xé nháp cho vui. Hôm nay mới đọ tửu lượng này, ai uống nhiều uống ít thì đẳng cấp nó khác nhau. Học giỏi thôi chưa được đâu, nhiều thứ khác giỏi nữa mới là thanh niên thời mới chứ".
Và, địa điểm được chọn là ngay "đại bản doanh" trọ với tiêu chí "không say thì không được về". Không đợi buổi nhậu lê lết diễn ra, tôi kéo cậu em H. lánh mặt. Suy đi tính lại "tránh voi không xấu mặt nào".
...Và "nhập gia tùy tục". |
Sống kèm
Trong cuộc tìm kiếm phòng trọ cho cậu em, tôi ngạc nhiên thấy nhiều khu trọ có cắm cái biển: "Nếu trai gái sống chung với nhau thì phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn". Nghe giới thiệu xung quanh khu vực Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng giới thiệu rằng quanh các cung đường nơi đây có rất nhiều phòng còn trống, tôi gọi điện. Tiếng một người đàn bà trạc tuổi bắt máy: "Ở mấy người, trai gái thế nào?".
Tôi khai như thật: "Ở chung với người yêu, đồng ý thì cho cháu gửi thêm tiền". Nhanh như cắt, bà ta đáp lại rằng, không cần biết mày ở với ai, cứ đến tháng tiền phòng, điện, nước đầy đủ thì không có vấn đề gì phải bàn cãi. Tôi lọ mọ đến đúng địa chỉ mà bà chủ trọ đã nhắn tin, tới nơi mới tá hỏa vì phòng nào cũng có đôi có lứa. Chưa đợi tôi dò xét, một cô gái tôi đoán chắc là sinh viên vì cái giá sách to đùng kê ở đầu giường nhanh nhảu: "Ở một mình à, rủ bạn ở chung cho vui. Tụi này ở đây toàn vậy cả mà. Mất gì!".
Những đôi lứa sinh viên nơi tôi đến bật mí về bí quyết để thuê được phòng trọ ở chung, tức sống thử với nhau: phải tìm nơi trọ tự quản, chủ trọ lâu lâu mới đến, tức là đầu tháng đến thu tiền, còn những thứ khác thì bất cần. Khi khai báo ở với ai thì bảo rằng ở với con em con bà dì, con em con ông chú, cứ bà con quen biết thế nào cũng thoát được nạn này. Chủ trọ nào mà rảnh rỗi đi điều tra cái lý lịch dây mơ rễ má của sinh viên chứ.
Sống thử trong sinh viên là một trào lưu mà những cô cậu đang ngồi trên ghế nhà trường cực kỳ... thích. Cho dù đã có nhiều diễn đàn, phương tiện truyền thông nói về vấn đề này, nhưng xem ra đây là một "xu hướng" của sinh viên tân thời. Để rồi không ít người phải rời ghế nhà trường sớm vì những lý do này nọ. Đến nỗi ở Huế, người ta phải lập một nghĩa trang bào thai để những "hình hài" ấy có nơi yên nghỉ. Con số hài nhi nằm ở đây lên đến hơn 42.200 sinh linh, một con số đáng để những thế hệ trẻ phải suy nghĩ.
Nhiều sinh viên sống trọn một đời sống thử với nhau, nhưng đến khi sống thật thì vỡ mộng. Ra trường người đi một đằng, kẻ đi một nẻo. N. là một cô sinh viên có nhan sắc, nhưng sau thời gian sống thử không thành, đôi lứa đôi nơi, đường tình đôi ngả. Thế là N. giam mình trong phòng, không thiết đến học hành gì nữa vì cú sốc tinh thần quá lớn.
Năm học mới lại bắt đầu, những cậu cử, cô cử" nô nức vào Đà thành học tập mang theo tâm lý thích khám phá những điều mới lạ. Song thực tế cũng còn đó bao nhiêu cạm bẫy và cám dỗ. Vì thế, các Hội sinh viên, Đoàn TNCS các trường mau nhanh chóng tập hợp, tổ chức thu hút các sinh viên mới vào các hoạt động cộng đồng, văn hóa, thể thao lành mạnh, ý nghĩa, phòng tránh sinh viên bị rủ rê, lôi kéo vào các thói hư tật xấu, mang lại nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bùi Đức Tú