Báo Công An Đà Nẵng

EU bác bỏ đề xuất giá trần khí đốt

Thứ bảy, 26/11/2022 08:01
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU tại Brussels, ngày 24-11. Ảnh: Reuters

Đề xuất giá trần khí đốt

Hôm 22-11, Ủy viên phụ trách năng lượng của EC Kadri Simson thông báo EU đã đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 EUR/MWh. Theo bà Simson, cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 EUR/MWh trong 2 tuần liên tiếp, và giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng trên 58 EUR trong 10 ngày trong cùng thời gian đó. Bà Simson nhấn mạnh đây là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng quá cao, không phù hợp với xu hướng tăng giá trên toàn cầu.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh giá khí đốt và điện đã tăng vọt ở hầu hết các nước EU trong năm qua. Theo Hội đồng châu Âu, giá khí đốt trong khối đã tăng hơn 150% trong khoảng thời gian từ tháng 7-2021 đến tháng 7-2022. Tất cả những điều này là một gánh nặng lớn đối với ngành công nghiệp và các hộ gia đình ở châu Âu và phần lớn EU hiện đang chuẩn bị cho suy thoái trong những tháng tới.

Bị chỉ trích là "trò đùa"

Trong "các cuộc thảo luận sôi nổi" ngày 24-11, các bộ trưởng năng lượng EU thông qua được hai "biện pháp quan trọng", trong đó có việc mua chung khí đốt để tránh cạnh tranh trong nội bộ EU dẫn đến tăng giá, đoàn kết trong những thời điểm cần thiết và cấp phép nhanh chóng cho các nguồn năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, các bộ trưởng EU còn bất đồng về đề xuất áp giá trần khí đốt do EC đưa ra, cho rằng đề xuất này rõ ràng không khả thi. Một số nước coi đó là "trò đùa" vì các tiêu chí quá cao đến mức nó có thể không bao giờ được kích hoạt. Các nước khác, vốn hoài nghi về việc đưa ra bất kỳ mức giá trần nào, đã cảnh báo về rủi ro đối với sự ổn định của nguồn cung. "Nó hoàn toàn không thể thi hành, không hiệu quả và nằm ngoài phạm vi. Đó là một trò đùa tồi tệ", Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera nói, trong khi Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cũng cho rằng đề xuất này là "một trò đùa" và không làm hài lòng bất kỳ quốc gia nào.

Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Malta, Miriam Dalli, cho biết kế hoạch được thiết kế bởi EC là "không phù hợp với mục đích" và "chắc chắn không linh động về bản chất". Bà Dalli nói với các phóng viên: "Các điều kiện đồng thời đang được áp đặt khiến cho việc kích hoạt cơ chế khắc phục này là không thể hoặc gần như không có khả năng kích hoạt được".

Trong khi đó, Đức và Hà Lan dẫn đầu, cảnh báo rằng ngay cả một mức giới hạn giá yếu cũng có thể khiến những người bán khí đốt rời xa EU hoặc ngăn cản việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây hại cho khí hậu. Hà Lan, quốc gia kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp can thiệp giá nào, cho biết công cụ này là "thiếu sót" và có khả năng "gây hại" cho an ninh nguồn cung và ổn định tài chính của EU. Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu Hà Lan Rob Jetten nêu rõ: "Có rất nhiều rủi ro gây tổn hại đến an ninh nguồn cung năng lượng cũng như sự ổn định của thị trường tài chính".

Estonia là quốc gia duy nhất cho rằng kế hoạch áp giá trần "khá ổn" nếu là một giải pháp tạm thời, và chỉ được áp dụng để ứng phó giá tăng cực đoan, không phải giải pháp lâu dài.

Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, Jozef Sikela cho biết, các bộ trưởng năng lượng EU sẽ tiếp tục nhóm họp vào đầu tháng 12 tới để nỗ lực thu hẹp các bất đồng về vấn đề này.

AN BÌNH

Liên minh châu Âu chuẩn bị gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga

Trong khuôn khổ chuyến công du Phần Lan ngày 24-11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang xúc tiến gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga liên quan đến "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Moscow ở Ukraine.

Phát biểu với báo giới, bà von der Leyen không nêu rõ nội dung gói trừng phạt thứ 9, song cho biết thêm EU cùng với Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) và các đối tác lớn khác sẽ sớm thông qua mức giá trần toàn cầu đối với dầu mỏ Nga.

Tháng trước, EU đã phê chuẩn lần cuối cùng gói trừng phạt thứ 8 đối với Nga, trong đó siết chặt các biện pháp hạn chế thương mại đối với thép và các sản phẩm công nghệ.