Báo Công An Đà Nẵng

EU chưa thể áp giá trần khí đốt Nga

Thứ năm, 15/09/2022 07:33
Cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên EU ở Brussels (Bỉ) ngày 9-9. Ảnh: AFP

Theo tờ The Guardian, dự thảo quy định về "công cụ khẩn cấp liên quan điện" không có giới hạn giá trần đối với khí đốt Nga cũng như đối với khí đốt nhập khẩu. Tuy nhiên, EU dự kiến đánh thuế lợi nhuận của các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời áp mức trần doanh thu với các nhà sản xuất điện phát thải carbon thấp. Các công ty dầu khí sẽ phải trả một loại thuế lợi nhuận riêng. Văn bản cuối cùng vẫn có thể thay đổi, nhưng dự thảo cho thấy Ủy ban châu Âu cho rằng không thể giành được sự ủng hộ của toàn bộ thành viên EU về việc áp giá trần với khí đốt Nga.

Không hề đơn giản

Châu Âu đã phải vất vả đối phó với giá khí đốt tăng vọt ngay cả trước cuộc xung đột ở Ukraine. Những hạn chế về nguồn cung cộng với mùa hè khô hạn kỷ lục năm 2022 đã đẩy nhu cầu dùng điều hòa không khí tăng cao, đồng thời giảm lượng thủy điện từ các con sông và hồ chứa. Phương án áp giá trần với khí đốt Nga có thể khiến sự thiếu hụt năng lượng của EU càng thêm hiện hữu.

Tuần trước Bộ trưởng Năng lượng các nước EU đã tiến hành họp tại Brussels (Bỉ) để tìm kiếm thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ người dân trước giá năng lượng quá cao và ngăn chặn các công ty năng lượng phá sản trong bối cảnh Nga dần cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Các nhà ngoại giao EU cho biết các nước thành viên nhìn chung ủng hộ đề xuất giúp các nhà cung cấp điện không bị phá sản do khó khăn thanh khoản nhưng các nước vẫn chia rẽ về kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga.

Các quốc gia Hungary, Slovakia và Áo vốn nhập khẩu một lượng lớn khí đốt từ Nga, đã lên tiếng phản đối áp giá trần khí đốt Nga vì họ lo ngại Điện Kremlin sẽ ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp khí đốt, khiến các đất nước trên rơi vào suy thoái. Hà Lan và Đan Mạch lo lắng về kế hoạch áp giá trần, còn Đức lo ngại mức trần giá khí đốt Nga sẽ gây chia rẽ. Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moscow dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU. Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Cộng hòa Czech, Slovakia và Romania... Hungary cho rằng việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sẽ khiến Moscow ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức và điều này đi ngược lại với lợi ích của Hungary.

Khoảng 10 quốc gia, trong đó có cả Pháp và Ba Lan, muốn áp dụng trần giá đối với tất cả khí đốt nhập khẩu mà họ coi là cách tốt hơn để hạn chế giá tăng cao, và cho rằng điều này sẽ giảm nguồn thu của Moscow để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo tờ Washington Post, việc áp giá trần với dầu Nga không đơn giản. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng mục tiêu này có thể dễ dàng bị phá vỡ nếu các nước ngoài G7 - như Trung Quốc và Ấn Độ - tiếp tục mua dầu của Nga trên mức giá trần. Trước các động thái trên của phương Tây, Nga cảnh báo kế hoạch áp giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ thất bại và chỉ đưa đến sự bất ổn tại Mỹ và các đồng minh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố phương Tây không hiểu rằng các biện pháp này cuối cùng sẽ tác động đến chính đất nước của họ.

Đẩy mạnh áp thuế đối với lợi nhuận của các công ty năng lượng

Trong bối cảnh các quốc gia thành viên bị chia rẽ về vấn đề áp giá trần khí đốt Nga, EC đang theo đuổi các biện pháp mà có thể đoàn kết 27 thành viên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến công bố kế hoạch của châu Âu về việc đối phó với giá điện tăng cao khi bà đọc thông điệp liên minh hàng năm vào ngày 14-9 (15-9, giờ Việt Nam).

EU dự kiến đánh thuế lợi nhuận của các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời áp mức trần doanh thu với các nhà sản xuất điện phát thải carbon thấp. Các chính phủ EU phần lớn ủng hộ áp trần giá điện được sản xuất từ các nguồn phát thải ít carbon, chẳng hạn như năng lượng tái tạo hoặc hạt nhân, sau đó sử dụng các khoản tiền này hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương. EC ước tính rằng lợi nhuận của các công ty dầu khí và than đá sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2022. EC cũng kêu gọi các quốc gia thành viên EU nhất trí về một mục tiêu ràng buộc để giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, nhưng chưa đưa ra đề xuất con số nào.

Châu Âu sẽ cạn kiệt khí đốt vào tháng 2-2023

Tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha nhận định các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn kiệt vào đầu tháng 2-2023.

Theo báo trên, 160 cơ sở dự trữ khí đốt ở 18 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ bơm đầy gần 83% chỉ đủ để cung cấp 21% lượng tiêu thụ hàng năm ở các nước thành viên khối này. Báo La Vanguardia nhận định: "Có thể kéo dài đến tháng 3 năm sau, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn kiệt, nhưng với điều kiện là Nga nối lại nguồn cung khí đốt, dù chỉ với khối lượng nhỏ".

AN BÌNH