Báo Công An Đà Nẵng

EU đẩy mạnh trừng phạt Nga

Thứ tư, 30/07/2014 07:46

(Cadn.com.vn) - Nga tỏ ra rất bình thản trước những tuyên bố sẽ thúc đẩy trừng phạt Moscow về kinh tế của Liên minh Châu Âu (EU).

EU tuyên bố sẽ mở rộng trừng phạt nhằm vào Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine với mục tiêu là tài chính, năng lượng và vũ khí – những ngành chủ chốt của Moscow. Ngoài ra, thương mại và đầu tư với Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga hồi tháng 3, cũng sẽ bị hạn chế hơn nữa.

EU tích cực hành động chống lại Nga sau vụ MH17 bị bắn rơi, mà khối này buộc tội cho phe nổi dậy ủng hộ Điện Kremlin. EU cũng quan ngại khi nhóm điều tra quốc tế vẫn chưa thể tiếp cận hiện trường vụ MH17 trong bối cảnh bùng phát giao tranh ác liệt giữa lực lượng của Kiev và phe nổi dậy. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 29-7 gọi điện cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, yêu cầu các lực lượng nước này ngừng giao tranh quanh khu vực hiện trường MH17.

EU tuyên bố trừng phạt Nga nhằm gây áp lực lên Moscow về khủng hoảng Ukraine. 
Ảnh: Asia One

Gây áp lực về vấn đề Ukraine

Thực sự, cho đến nay, EU vẫn miễn cưỡng làm tổn hại quan hệ quan trọng với Moscow. Nhưng sau vụ MH17, mọi việc thay đổi.

“EU phải dùng đến biện pháp trừng phạt vì không có công cụ nào khác để gây áp lực lên Điện Kremlin”, quan chức ngoại giao EU nhận định. Các biện pháp trừng phạt này được cho là sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đang giảm tốc của Nga, nhất là lệnh cấm vận vũ khí và công nghệ. Nhưng Moscow tỏ ra rất bình thản khi tuyên bố sẽ không “trả đũa” và không để mình “rơi vào trạng thái bị kích động”.

Trong cuộc họp về cách thức đối phó với lệnh trừng phạt, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng, ngành công nghiệp vũ khí Nga “chắc chắn” đủ sức cung ứng mọi nhu cầu của đất nước. Hãng Interfax dẫn lời ông chủ Điện Kremlin hối thúc ngành công nghiệp quốc phòng nhanh chóng ngừng nhập khẩu và tập trung “đẩy nhanh các nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu trong ngành công nghiệp quốc phòng. Moscow cũng sẽ chuyển hướng nhiều nhất có thể sang các nguyên liệu và linh kiện sản xuất nội địa cho trang thiết bị và vũ khí.

Trạng chết, chúa cũng băng hà”

Nếu mọi việc diễn ra như mong đợi, EU sẽ chứng tỏ bước đi lịch sử nhằm gây áp lực lên Tổng thống Putin. Nhưng rồi, các biện pháp xử phạt cứng rắn hơn đối với Nga lại có thể đánh bại các nền kinh tế đang gặp khó khăn trong EU - đặc biệt là nếu Moscow trả đũa.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2014 xuống còn 3,4% từ mức 3,7%, một phần do khủng hoảng Ukraine, đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ làm tổn thương Châu Âu. “Các nền kinh tế có liên kết thương mại tích cực và trực tiếp với Nga, đặc biệt là ở miền đông và trung tâm Châu Âu và Trung Á sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất”, IMF khẳng định.

Thật đúng lúc. Moscow mở rộng lệnh cấm nhập khẩu trái cây và rau quả chế biến từ Ukraine, và cảnh báo về các bước tương tự như đối với EU, sau lệnh cấm được áp dụng với toàn bộ sản phẩm sữa nhập khẩu của Kiev. Giới chức Nga đã đưa ra nhiều lý do cho quyết định này, trong đó có việc dán nhãn mác sai. Nga là thị trường chính đối với nông sản xuất khẩu Ukraine nên quyết định này của Moscow gây tổn hại nghiêm trọng cho Kiev. Moscow từng ngừng nhập khẩu sản phẩm của nhiều nước khác khi các mối quan hệ xấu đi, như cấm nhập rượu của Georgia và ngừng nhập rau quả của Moldova.

Năm 2013, trị giá thương mại EU-Nga đạt 336 tỷ EUR (451 tỷ USD), trong đó thặng dư thương mại của Moscow đạt gần 87 tỷ EUR. Một số trong 28 quốc gia thành viên EU, như Italia hay Đức, có quan hệ kinh tế chiến lược với Moscow trong khi các quốc gia vệ tinh thời Liên Xô cũ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Thực tế này cho thấy, lệnh cấm vận của EU nhằm vào Nga chắc chắn sẽ khiến cả hai đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Khả Anh