EU hành động khẩn cấp khi Nga đóng Dòng chảy phương Bắc 1
Thông báo của Gazprom nêu rõ, trong quá trình bảo dưỡng dự kiến kéo dài 3 ngày, Gazprom đã phát hiện tuabin khí chính tại trạm Portovaya gần thành phố St. Petersburg bị rò rỉ dầu. Theo đó, tuabin không thể vận hành một cách an toàn cho tới khi đoạn rò rỉ được sửa chữa, và Gazprom không đưa ra bất kỳ khung thời gian nào về việc nối lại hoạt động cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.
Trước đó, Gazprom ngày 30-8 công bố quyết định ngừng hoạt động tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 trong khoảng thời gian từ 4 giờ ngày 31-8 đến 4 giờ ngày 3-9 (theo giờ Moscow) để sửa chữa tuabin khí duy nhất đang hoạt động. Theo kế hoạch, tuyến đường ống này sẽ hoạt động trở lại vào ngày 3-9 và việc vận chuyển khí đốt sẽ tiếp tục được thực hiện theo mức của tháng 8. Tuy nhiên, Gazprom hôm 2-9 cho biết họ không thể đưa ra thời gian nối lại hoạt động cung cấp khí đốt sau khi phát hiện rò rỉ, có nghĩa là tuabin đường ống không thể vận hành an toàn.
Nga đã đổ lỗi cho phương Tây
Ngày 4-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng chỉ trích chính các chính trị gia châu Âu đã khiến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 phải dừng hoạt động. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia Nga, ông Peskov nêu rõ: "Nếu châu Âu quyết định từ chối bảo dưỡng các thiết bị, điều họ phải thực hiện theo hợp đồng, thì đó không phải là lỗi của Gazprom. Đó là lỗi của những chính trị gia đã ra quyết định trừng phạt Nga". Người phát ngôn Điện Kremlin đồng thời nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã cản trở hoạt động bảo trì đường ống của tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho rằng chính EU mới là bên có lỗi vì đã vi phạm hợp đồng vận chuyển và sửa chữa, gây khó khăn cho việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya 1 ngày 4-9, ông Novak khẳng định sẽ không để lãnh đạo EU đổ lỗi cho Nga. "Hiện tại, toàn bộ vấn đề chính xác nằm ở phía châu Âu, vì tất cả các điều khoản của hợp đồng sửa chữa và vận chuyển thiết bị đã bị vi phạm hoàn toàn", ông Novak nhấn mạnh.
Trong khi đó, Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ngày 4-9 đã cáo buộc Đức tiến hành một cuộc "chiến tranh hỗn hợp" chống lại Moscow, điều mà ông Medvedev nói rằng đó là lý do chính khiến Moscow cắt nguồn cung cấp khí đốt của nước này cho Berlin.
Phản ứng của Châu Âu
Các quan chức châu Âu cáo buộc Nga đang phá hỏng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 tới châu Âu một cách có chủ ý, đồng thời yêu cầu Moscow giải thích về việc dừng vô thời hạn hoạt động của đường ống này.
Châu Âu và Mỹ cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí, song Moscow đã bác bỏ nhận định này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên Twitter rằng: "Động thái của Gazprom không mấy bất ngờ. Việc sử dụng khí đốt làm vũ khí sẽ không thay đổi quyết tâm của EU. Chúng tôi sẽ thúc đẩy lộ trình hướng đến độc lập về năng lượng. Trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ các công dân của mình và ủng hộ tự do của Ukraine".
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Michael Roth cũng chỉ trích việc Nga đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và gọi đây là "một phần trong cuộc chiến tâm lý của Nga với chúng tôi". Ông cũng cáo buộc Tổng thống Putin đã "vi phạm hợp đồng một cách không do dự thậm chí cả khi điều đó phải trả giá bằng chính lợi ích kinh tế của mình".
EU tìm cách kiềm chế giá năng lượng
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gần 400% trong năm qua, có thể sẽ tiếp tục leo thang lên mức kỷ lục trong tuần này, sau khi Nga đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Ông Nathan Piper, nhà phân tích dầu khí tại ngân hàng Investec của Anh cho rằng giá khí đốt vẫn biến động và sẽ tăng mạnh vào đầu tuần, khoảng 700-800% lên mức cao kỷ lục. Chuyên gia Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại công ty tư vấn ICIS, cũng dự đoán giá khí đốt của châu Âu và toàn cầu dự kiến tăng mạnh vào ngày 5-9 khi các thị trường điều chỉnh giá theo diễn biến mới nhất.
Trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 9-9 tới, bộ trưởng năng lượng các nước thành viên EU sẽ thảo luận các biện pháp khẩn cấp thực hiện trên toàn khối nhằm kiềm chế giá năng lượng đang tăng cao, trong đó có mức trần giá khí đốt và hạn mức tín dụng khẩn cấp cho các bên tham gia thị trường năng lượng. Theo Reuters, tài liệu dự thảo của cuộc họp này cho thấy các bộ trưởng đang cân nhắc các phương án gồm: quy định mức trần giá khí đốt nhập khẩu, mức giá trần cho khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, hoặc tạm thời loại các nhà máy sản xuất điện sử dụng khí đốt ra khỏi hệ thống ấn định giá điện hiện tại của EU. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng sẽ cân nhắc cơ chế khẩn cấp "hỗ trợ hạn mức tín dụng toàn châu Âu" cho các bên tham gia thị trường năng lượng.
AN BÌNH