Báo Công An Đà Nẵng

EU lại ra đòn với kinh tế Nga

Thứ tư, 20/12/2023 09:47
EU thông qua gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga.

Nhắm vào kim cương

Gói trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) tập trung vào việc áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu kim cương có nguồn gốc từ Nga, kim cương quá cảnh Nga và kim cương Nga khi được gia công ở nước thứ ba. Ngoài ra, lệnh cấm nhập khẩu gián tiếp kim cương của Nga khi được xử lý ở các nước thứ ba, bao gồm cả đồ trang sức có chứa kim cương có nguồn gốc Nga. Theo EC, lệnh cấm mua kim cương phi công nghiệp trực tiếp của Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 trong khi lệnh cấm nhập khẩu gián tiếp sẽ được thực hiện dần dần kể từ ngày 1-3-2024 và hoàn thành trước ngày 1-9-2024. Lệnh cấm đối với kim cương này sẽ được thực hiện với sự phối hợp với các nước trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), vốn đã thông báo một lệnh cấm tương tự trước đó trong tháng này, nhằm tước đoạt nguồn doanh thu quan trọng này của Nga.

Chống "lách" luật trừng phạt

Gói trừng phạt lần thứ 12 cũng áp đặt thêm các lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu đối với hàng hóa Nga, ngăn chặn hành vi "lách" luật trừng phạt và "lấp lỗ hổng" của các lệnh trừng phạt.

EC đã bổ sung 29 thực thể mới vào danh sách những đơn vị trực tiếp hỗ trợ tổ hợp công nghiệp và quân sự Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine. Theo đó, những thực thể mới này sẽ phải chịu những hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn liên quan đến hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng, cũng như hàng hóa và công nghệ có thể góp phần nâng cao công nghệ cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh của Nga. Một số trong số 29 thực thể này thuộc về các nước thứ ba liên quan đến việc lách các hạn chế thương mại, hoặc là các thực thể của Nga liên quan đến việc phát triển, sản xuất và cung cấp linh kiện điện tử cho tổ hợp công nghiệp và quân sự Nga.

Quyết định mới nhất của EU còn mở rộng danh sách các mặt hàng bị hạn chế có thể góp phần nâng cao công nghệ của ngành quốc phòng và an ninh Nga, bao gồm: hóa chất, pin lithium, máy điều nhiệt, động cơ DC và động cơ phụ cho máy bay không người lái (UAV), máy công cụ và bộ phận máy móc. Cuối cùng, EU đã đưa ra các hạn chế hơn nữa đối với việc nhập khẩu hàng hóa tạo ra doanh thu đáng kể cho Nga và do đó tạo điều kiện cho nước này tiếp tục "chi mạnh tay" cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, như gang và spiegeleisen, dây đồng, dây nhôm, giấy bạc, ống và các loại ống dẫn, với tổng trị giá lên tới 2,2 tỷ EUR/năm.

Lệnh cấm nhập khẩu mới cũng được áp dụng đối với khí thiên nhiên hóa lỏng (LPG) với thời gian chuyển tiếp là 12 tháng.

Nhiều cá nhân bị trừng phạt

Theo RT, gói trừng phạt trên cũng bổ sung 140 cá nhân và thực thể vào danh sách phong tỏa tài sản. Trong số đó có Ilya Medvedev (28 tuổi), con trai của cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga. Danh sách trừng phạt của EU còn có 14 thành viên thuộc Ủy ban bầu cử trung ương Nga vì liên quan đến việc tổ chức các cuộc bầu cử ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Đây là 4 khu vực thuộc Ukraine nhưng đã bỏ phiếu sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi năm 2022. Tuy nhiên, EU coi đây là những khu vực Nga kiểm soát trái phép. Nhiều quan chức cấp cao khác của Nga cũng có tên trong gói trừng phạt mới nhất của EU như Trung tướng Viktor Afzalov, người chính thức thay thế ông Sergey Surovikin làm chỉ huy Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga hồi tháng 10. Một số công dân Belarus cũng nằm trong danh sách trừng phạt của EU gồm các quan chức cấp cao thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Belarus là Alexander Rakhmanov và Pavel Muraveyko.

Chặn hết các ngã của Nga?

Giới quan sát bình luận, gói trừng phạt thứ 12 đã giáng thêm một đòn mạnh vào khả năng tiếp tục triển khai các kế hoạch của Tổng thống Nga Putin tại Ukraine, bằng cách "đánh thẳng" vào các lĩnh vực có giá trị cao của nền kinh tế Nga, đồng thời khiến việc lách các lệnh trừng phạt của EU trở nên khó khăn hơn. Nói về gói trừng phạt mới nhất này, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU cho biết, với gói trừng phạt thứ 12, EU đã đưa ra một loạt danh sách mới và các biện pháp kinh tế sẽ làm suy yếu nguồn tài chính "nuôi" chiến dịch quân sự của Nga. "Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng, như tôi đã tuyên bố khi làm chủ tịch Hội đồng đối ngoại không chính thức ở Kiev, chúng tôi vẫn kiên định với cam kết của mình với Ukraine và sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev".

Đáp trả động thái mới nhất từ EU, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả phù hợp. Trước đó, ngày 14-12, mở đầu sự kiện giao lưu với người dân và giới truyền thông, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, bất chấp 11 vòng lệnh trừng phạt từ EU, nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022 và đang tiến về phía trước. Tổng thống Putin nêu rõ, tăng trưởng GDP của Nga năm nay dự kiến đạt 3,5%, đồng thời biên độ an toàn của nền kinh tế đủ để Nga tự tin. Ngoài ra, thu nhập thực tế của người dân tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, lạm phát có thể ở mức 8% vào cuối năm nay. Trong khi đó, nợ nước ngoài của Nga đã giảm từ 46 tỷ USD xuống còn 32 tỷ USD. Tổng thống Putin nhấn mạnh, "điều quan trọng nhất đối với nước Nga là củng cố chủ quyền, trong đó chủ quyền kinh tế và công nghệ là ưu tiên".

AN BÌNH

Tổng thống Ukraine cảm ơn EU

Sau khi Hội đồng châu Âu đã thông qua gói trừng phạt Nga thứ 12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu qua video bày tỏ sự cảm ơn với các đối tác của mình trong EU, cho rằng điều quan trọng là lần đầu tiên lệnh cấm kim cương của Nga được đưa ra và có những hạn chế mới đối với hàng nhập khẩu từ Nga. Theo ông Zelensky, tất cả những điều này sẽ thực sự giúp làm giảm nền tảng kinh tế của Nga dành cho xung đột với Ukraine và Kiev sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để đảm bảo rằng các lệnh trừng phạt do châu Âu áp đặt có hiệu lực trên toàn cầu.