Báo Công An Đà Nẵng

EU-Mỹ "tháo ngòi nổ" cho Airbus và Boeing

Thứ năm, 17/06/2021 11:49

Tại Hội nghị Thượng đỉnh bước ngoặt hôm 15-6 (sáng 16-6, giờ Việt Nam), Mỹ và EU đã bất ngờ nhất trí "đình chiến" trong năm 5 những tranh chấp về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay khổng lồ Airbus và Boeing.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - EU. Ảnh: Getty

Động thái này giúp tạm dừng tranh chấp kéo dài 17 năm qua, lâu nhất trong lịch sử Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Dù các mức thuế áp dụng từ thời ông Trump nhằm vào mặt hàng thép và nhôm vẫn được giữ nguyên, nhưng động thái bước ngoặt này đã mang lại cơ hội lớn cho "Bộ đôi quyền lực" của ngành chế tạo máy bay.

Thương chiến kéo dài

Airbus và Boeing, với sự hậu thuẫn của EU và Mỹ, đã vướng vào căng thẳng thương mại gay gắt tại WTO từ năm 2004.

Mâu thuẫn này xoay quanh các khoản trợ cấp chính phủ dành cho hai hãng này, với các cáo buộc lẫn nhau về các hành vi trái phép và chống lại cạnh tranh. Thương chiến EU-Mỹ càng thêm gay gắt khi vào tháng 3-2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã áp thuế 25% đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico. Đáp trả, EU đã thông qua quy định áp thuế đối với 3,2 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó có việc đánh thuế 25% đối với rượu whisky của Mỹ. Và giờ đây, khi cả hai đều lao đao vì đại dịch, EU và Mỹ đã đồng ý "đình chiến" và tạm ngừng áp thuế trừng phạt lẫn nhau trong 5 năm.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, EU và Mỹ đã đi đến một thỏa thuận tạm ngừng áp thuế trả đũa liên quan đến tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho hai hãng này trong 5 năm. Bà Tai cho hay, Washington có thể tái áp đặt thuế trừng phạt nếu các công ty Mỹ không thể "cạnh tranh công bằng" với các công ty Châu Âu.

Cơ hội vàng cho "bộ đôi quyền lực"

Airbus và Boeing là hai "ông lớn" đang cùng nhau nắm giữ 90% thị trường máy bay thương mại. Giá trị xuất khẩu của Airbus và Boeing đóng góp đáng kể vào kim ngạch thương mại của những nước có sự hiện diện của hai hãng này.

Được thành lập năm 1916, Boeing thắng lớn từ những năm 1960 với các dòng máy bay chặng trung 737 và máy bay chặng dài 747. Trong quá trình mở rộng, Boeing đã thâu tóm nhiều đối thủ lớn như McDonnell-Douglas. Tuy nhiên, giờ đây, Boeing lại dự định cắt giảm lao động từ 161.000 người trước đại dịch COVID-19 xuống còn 130.000 người vào cuối năm nay. Hãng này có các nhà máy tại các bang Washington và Nam Carolina. Ngược lại, Airbus lại đặt nhà máy tại nhiều nước EU và trên toàn thế giới, trong đó có cả Mỹ. Thành lập năm 1970, Airbus được xem là đối thủ trực tiếp của máy bay Boeing 737. Cuối năm 2019, Airbus có 135.000 nhân viên trên toàn thế giới, nhưng cũng phải giảm 15.000 việc làm để ứng phó với thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.

Thật sự, cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề lên các hãng hàng không, vốn là khách hàng chính của Airbus và Boeing, khiến số máy bay được giao của hai nhà sản xuất này giảm mạnh. Doanh thu của hai "gã khổng lồ" này cũng vì thế giảm mạnh, trong đó doanh thu của Airbus giảm 29% xuống 49,9 tỷ EUR (60,4 tỷ USD), còn doanh thu của Boeing giảm 24% xuống 58,2 tỷ USD.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc Thương mại của Airbus Christian Scherer "nhiệt liệt hoan nghênh động thái này của Mỹ và EU". Ông Scherer nhấn mạnh, bất cứ điều gì tạo một sân chơi công bằng trong ngành có tính cạnh tranh cao này và tránh được sự đối đầu tồi tệ về thuế quan mà không bên nào thắng đều là tin tốt. Giới phân tích cũng cho rằng, thỏa thuận của Mỹ - EU mang lại cơ hội lớn cho "bộ đôi quyền lực" của ngành chế tạo máy bay.

KHẢ ANH