EU-Nga khó làm lành
(Cadn.com.vn) - Bất chấp những áp lực mạnh mẽ từ các nước, Liên minh Châu Âu (EU) xem ra vẫn khó có thể sớm từ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Cuộc khủng hoảng Ukraine, ngoài việc làm bùng lên những biện pháp trừng phạt từ phương Tây nhằm vào Nga, còn gây chia rẽ mối quan hệ vốn khăng khít giữa Moscow với EU.
Dưới những đòn kết hợp của các lệnh trừng phạt và sụt giảm giá dầu, đồng rouble mất khoảng một nửa giá trị trong năm 2014 và nền kinh tế Nga trôi dạt vào suy thoái. Tổng thống Vladimir Putin cam kết sẽ đưa nền kinh tế vượt qua thời kỳ khủng hoảng nhưng cái khó là ông chủ Điện Kremlin chưa có kế hoạch cụ thể cho việc nới lỏng sự phụ thuộc của Nga vào doanh thu dầu mỏ và khí đốt.
Tuy nhiên, rõ ràng, không chỉ mình Nga chịu thiệt. Các biện pháp trừng phạt của EU cùng với các biện pháp trả đũa của Nga, đang từng ngày vắt kiệt các tập đoàn lớn ở lục địa già - gồm các ngân hàng, Cty dầu, Cty sản xuất máy móc khổng lồ và các hãng thực phẩm làm ăn với Moscow.
Trên thực tế, một số khách hàng của Nga không còn khả năng trả nợ vì đang gặp khó khăn hoặc các khoản thanh toán bị chặn tại các ngân hàng bị xử phạt. Ngoài ra, nhu cầu cũng đã khô cạn vì Nga đang gặp khó khăn về tài chính. Reuters dẫn lời Paul Ivan, một nhà phân tích tại Trung tâm chính sách Châu Âu ở Brussels cho biết, những biện pháp trả đũa của Nga càng nhân thêm nỗi đau cho kinh tế Châu Âu.
Lệnh cấm nhập khẩu rau củ quả của Nga cũng khiến các nước EU khốn đốn. Ảnh: Reuters |
Moscow áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hàng loạt các thực phẩm do các nước EU sản xuất, đánh vào nông dân nuôi bò sữa Lithuania, người sản xuất pho mát Italia và người trồng táo Bỉ... Theo dữ liệu thống kê của Eurostat công bố ngày 7-1, chỉ số giá tiêu dùng tại khu vực Eurozone trong tháng 12-2014 giảm 0,2%, lần đầu tiên đi vào giới hạn tăng trưởng âm kể từ khi chìm sâu vào khủng hoảng tài chính năm 2009.
Trước tình hình khó khăn này, nhiều quốc gia EU chủ trương nới lỏng cấm vận Nga và từ từ dỡ bỏ. Pháp và Italia là hai quốc gia đầu tàu vận động nới lỏng lệnh trừng phạt Nga trong khi Ba Lan, Anh và các nước Baltic kiên quyết phản đối. Pháp, Đức, Nga và Ukraine lên kế hoạch đàm phán hòa bình về đông Ukraine vào ngày 15-1 tới tại Astana, Kazakhstan.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo cảnh báo sẽ không tham dự đối thoại nếu không có triển vọng rõ ràng cho một thỏa thuận mới. Trong chuyến thăm đến Anh hôm 7-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã thảo luận về vấn đề Ukraine với người đồng cấp chủ nhà David Cameron. Tại Đức, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel cũng thể hiện quan ngại về tác động của các lệnh trừng phạt với sự ổn định tại Nga.
Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande nói với đài phát thanh France-Inter rằng, ông sẽ chỉ tham dự các cuộc đàm phán tại Astana nếu có bất kỳ tiến triển nào trong nỗ lực giảm căng thẳng. Ông chủ Điện Elysée cũng kêu gọi các nước phương Tây ngừng đe dọa Nga bằng những lệnh cấm vận mới, thay vào đó cần nới lỏng các lệnh trừng phạt để có thể có được những tiến triển trong tiến trình hòa bình tại Ukraine.
Theo ông Hollande, các nước có thể hiểu lầm lập trường của Nga, bởi Tổng thống Vladimir Putin không muốn sáp nhập miền đông Ukraine mà chỉ muốn duy trì ảnh hưởng và Kiev không trở thành thành viên NATO. Tổng thống Hollande thậm chí đã gặp ông Patrick Pouyanne - Chủ tịch mới của Tập đoàn dầu mỏ Total vốn lên thay thế người tiền nhiệm thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ở Nga - để thảo luận về các biện pháp trừng phạt của EU.
Nhưng hiện vẫn có nhiều hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh 4 bên này. Giới phân tích cho rằng, hội nghị khó có thể diễn ra theo lịch trình. Và đó là vòng luẩn quẩn. Tình hình bất ổn ở đông Ukraine sẽ vẫn là chướng ngại trong mối quan hệ giữa Nga và EU.
Khả Anh