EU tái bố trí người di cư
(Cadn.com.vn) - Kế hoạch tái bố trí 120.000 người di cư đang gây nhiều tranh cãi khi vấp phải những phản ứng dữ dội từ một số nước thành viên ở Trung và Đông Âu.
Hàng ngàn người di cư vẫn bất chấp nguy hiểm để đến Châu Âu mỗi ngày. Ảnh: AFP |
Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) ngày 23-9 tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ nhằm thông qua kế hoạch tái phân bổ 120.000 người di cư trên khắp lục địa, bất chấp sự phản đối gay gắt của một số quốc gia thành viên.
Trước đó, vào đêm 22-9, các Bộ trưởng Nội vụ EU thông qua kế hoạch này với đa số phiếu ủng hộ, sau khi vượt qua sự phản đối dữ dội của các nước như Romania, Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary. Đây là kế hoạch được đưa ra nhằm giảm tải cho các quốc gia thành viên tuyến đầu như Italia, Hy Lạp hay Hungary. Theo BBC, trong số 120.000 người di cư này, 15.600 người hiện ở Italia; 50.400 người ở Hy Lạp và hơn 54.000 người đến từ các quốc gia lân cận khác. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, khoảng 450.000 người di cư đến Châu Âu hiện nay sẽ được hưởng quy chế tị nạn lâu dài, con số nhiều nhất kể từ sau Thế chiến II. Cũng theo OECD, từ đầu năm đến nay có khoảng 700.000 người nộp đơn xin tị nạn tại các nước EU và sẽ lên đến 1 triệu người vào cuối năm 2015.
Vì vậy, Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp của EU lần này tập trung vào việc thắt chặt biên giới EU và thúc đẩy viện trợ cho các nước láng giềng Syria, điểm xuất phát của hầu hết dòng người di cư đến Châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU đang phải vật lộn để tìm kiếm sự phối hợp tốt hơn trong nỗ lực ứng phó với khủng hoảng di cư đang nhấn chìm lục địa già. BBC dẫn nguồn tin từ Phố Downing cho biết, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande có cuộc hội đàm hiếm hoi trước thềm hội nghị, trong đó nói rằng, việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Syria chính là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí “trả lại” những người di cư không muốn xin tị nạn ở các quốc gia mà họ không mong muốn. Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, tất cả các quốc gia Châu Âu nên chấp nhận “chia sẻ công bằng” về người tị nạn.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk nói với các nhà lãnh đạo EU rằng, Hội nghị Thượng đỉnh lần này nên tập trung vào chính sách mà họ có thể thực hiện để giúp đỡ lẫn nhau, chứ không phải là danh sách dài các vấn đề chỉ để đổ lỗi cho nhau. Ông muốn tập trung vào việc cải thiện an ninh biên giới bên ngoài EU, và đảm bảo rằng những người tị nạn không bị trục xuất. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vào việc tăng kinh phí cho các cơ quan chuyên đối phó với người tị nạn ở các nước có chung biên giới với Syria, và hợp tác chặt chẽ cũng như hỗ trợ nhiều hơn cho các nước này, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia hiện có hơn 2 triệu người tị nạn Syria đang sinh sống và trở thành cửa ngõ chính vào Châu Âu.
Tuy nhiên, hội nghị lần này đang phủ một bầu không khí ảm đạm. Một số nhà lãnh đạo tức giận cho rằng, chính phủ của họ đã bị “ép buộc” trong kế hoạch tái bố trí người di cư lần này. Việc các Bộ trưởng Nội vụ EU phê duyệt kế hoạch tái định cư theo đa số chứ không phải được sự nhất trí toàn diện là động thái hiếm hoi, cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của các quốc gia thành viên về vấn đề này.
“Chữa trị căn bệnh” khủng hoảng di cư lần này thật sự là bài toán đau đầu đối với các nhà lãnh đạo Châu Âu bởi đây là nhiệm vụ quan trọng để vực dậy các nước vốn vừa thoát khỏi suy thoái kinh tế kéo dài. Giới phân tích cho rằng, nếu Châu Âu là bậc thầy trong việc đối phó thách thức khủng hoảng tị nạn, họ cũng sẽ làm chủ vận mệnh kinh tế của chính mình.
Khả Anh