Báo Công An Đà Nẵng

EU thông qua thỏa thuận Brexit

Thứ hai, 26/11/2018 08:22

Các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) ngày 25-11 đã thông qua những điều khoản của thỏa thuận Anh rời khỏi EU (Brexit) tại Hội nghị thượng đỉnh của khối ở Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, bài kiểm tra thực sự vẫn chưa đến.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ thướng Anh Theresa May tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 25-11. Ảnh: Reuters

Chưa đầy một giờ sau khi lãnh đạo của 27 nước thành viên họp tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã viết trên mạng xã hội Twitter, tuyên bố: "27 nước thành viên EU đã chấp thuận Thỏa thuận Rút khỏi và Tuyên bố Chính trị về quan hệ tương lai Anh - EU".

Trong tuyên bố kết luận của Hội nghị thượng đỉnh bất thường, lãnh đạo 27 nước EU cho biết, kể từ thời điểm này Liên minh Châu Âu mong muốn xây dựng một “mối quan hệ thân thiết nhất có thể” với Vương quốc Anh. Theo đó, thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 30-3-2019.

Trước đó, trong thư gửi các nhà lãnh đạo trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của EU, ông Tusk đã đề nghị lãnh đạo 27 nước EU chấp thuận kết quả của những cuộc đàm phán về Brexit. Trong thư, ông Tusk cho hay khi bắt đầu đàm phán cách đây gần 2 năm, EU đã thống nhất phương hướng đàm phán của 27 nước còn lại của khối với các mục tiêu: giảm thiểu sự bấp bênh và xáo trộn do Brexit gây ra cho công dân, doanh nghiệp và quốc gia thành viên EU; giải quyết quy chế của công dân EU sống, làm việc và học tập tại Anh với những đảm bảo đối ứng; đảm bảo rằng Anh tôn trọng mọi cam kết và trách nhiệm tài chính; tránh một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland; ngăn chặn khoảng trống pháp lý đối với các công ty EU. Các nhà đàm phán của EU cuối cùng đã đạt được những mục tiêu trên. Thỏa thuận về Brexit đảm bảo đầy đủ quyền lợi của công dân EU, tiến trình hòa bình tại Bắc Ireland không bị ảnh hưởng, Anh sẽ tiếp tục thanh toán cho ngân sách EU trong giai đoạn chuyển tiếp và đảm bảo chắc chắn về mặt pháp lý. Do đó, các nhà đàm phán của EU đã thành công trong việc giảm thiểu rủi ro, tổn thất do Brexit.

“Ngày buồn”

Dù đạt được thỏa thuận, tâm trạng của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels lại ảm đạm. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker lấy làm tiếc việc Anh rời khỏi khối và cho rằng, đó là một "ngày buồn". "Nhìn thấy một đất nước như Anh... rời khỏi EU không phải là một khoảnh khắc của niềm vui, cũng không phải là lễ kỷ niệm, đó là một khoảnh khắc buồn và đó là một bi kịch", ông nói. Nói về "nỗi buồn" của các thành viên, ông nói thêm rằng đây không phải là một khoảnh khắc để "nâng ly sâm banh".

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có cùng tâm trạng với ông Jean-Claude. Bà cho biết thật là "bi kịch" khi Anh đã rời khỏi EU nhưng "tốt" khi hai bên đã đạt được thỏa thuận. "Tôi cảm thấy buồn... nhưng cũng có cảm giác nhẹ nhõm rằng chúng tôi có thể đạt được những gì chúng tôi có", bà nói. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói Brexit đã chứng minh rằng "Liên minh Châu Âu của chúng ta có một sự mong manh nhất định" và "nó luôn cần được cải thiện".

Trong khi đó, trưởng nhóm đàm phán Brexit của EU Michel Barnier ngày 25-11 cho biết Anh và EU vẫn là "những đồng minh, đối tác và bạn bè" sau khi các nhà lãnh đạo chính thức công nhận thỏa thuận Brexit vào cùng ngày. Phát biểu khi đã có mặt tại hội nghị thượng đỉnh trên, ông Barnier nêu rõ: "Đây là thời điểm để cho tất cả mọi người có trách nhiệm".

“Tương lai tươi sáng hơn"

Thủ tướng Anh Theresa May đã gửi thư ngỏ đề nghị người dân nước này ủng hộ thỏa thuận dự thảo Brexit giữa Anh với EU trong bối cảnh Anh dự kiến sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019.

Bà May nêu rõ: "Vào ngày 29-3 năm sau Anh sẽ rời khỏi EU. Chúng ta sau đó sẽ bắt đầu một chương mới trong cuộc sống quốc gia của chúng ta. Tôi muốn đó là một thời khắc tái sinh và hòa hợp cho toàn bộ đất nước chúng ta. Đó sẽ là dấu mốc để chúng ta gạt sang một bên những cụm từ “rời bỏ” và “ở lại” cho điều tốt đẹp và chúng ta lại cùng ở bên nhau như một dân tộc. Để làm được điều này chúng ta cần tiến tới Brexit ngay bây giờ bằng việc ủng hộ thỏa thuận này".

Cửa ải phía trước

Sau khi được EU thông qua, thỏa thuận Brexit cần được Nghị viện Châu Âu và Quốc hội Anh phê chuẩn. Giới quan sát cho rằng, sẽ không có khó khăn nào từ phía Nghị viện Châu Âu nhưng cuộc chiến tại Quốc hội Anh sẽ thực sự là thách thức lớn với nữ Thủ tướng Anh Theresa May bởi thỏa thuận này đang vấp phải không ít ý kiến phản đối của cả các nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền lẫn các đảng đối lập.

Ngay sau khi được các nhà lãnh đạo Châu Âu thông qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit, cho rằng "đây là thỏa thuận duy nhất có thể xảy ra". Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết khả năng Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May là một "thách thức", song bác bỏ thỏa thuận này sẽ là "nguy cơ vô cùng to lớn" cho quốc gia. Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Andrew Marr của BBC, Chủ tịch đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, bà Arlene Foster nhắc lại rằng đảng của bà "sẽ không thể ủng hộ" thỏa thuận.

AN BÌNH