Báo Công An Đà Nẵng

EU trước nguy cơ “tan rã”

Thứ bảy, 23/01/2016 08:00

(Cadn.com.vn) - Hàng loạt cảnh báo về nguy cơ Liên minh Châu Âu (EU) sụp đổ trước “bão tố” khủng hoảng tị nạn và kinh tế đã được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hôm 22-1.

EU hiện đã nhìn thấy mối nguy rất lớn khi đang bị vùi dập bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng, từ vấn đề di cư đến an ninh, chủ nghĩa khủng bố và một cuộc trưng cầu “rất chắc chắn” về khả năng Anh sẽ rời liên minh này.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn khiến con tàu hội nhập của EU trước nguy cơ “trật bánh”.
Ảnh: Reuters

Từ khủng hoảng người tị nạn

Nỗi sợ hãi về một EU đang suy yếu nghiêm trọng là chủ đề nóng nhất tại Davos năm nay. Những nhà kinh doanh hàng đầu và các chính trị gia tại WEF liên tục lên tiếng báo động về việc đóng cửa biên giới của các nước trong EU.

Mở đầu ngày thảo luận 22-1 tại Davos, tỷ phú Mỹ George Soros cảnh báo, EU “đang tan rã”. Theo nhà kinh doanh này, EU đang cho thấy sự hoảng loạn và bế tắc trong cách giải quyết vấn đề người tị nạn vẫn đang nhấn chìm cả Châu Âu. Ông cho rằng, Thủ tướng Angela Merkel của Đức - quốc gia lớn nhất EU - đã thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư do chính sách mở cửa không được chuẩn bị hợp lý. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn BBC, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng bày tỏ lo ngại về việc cuộc khủng hoảng di cư đang bao trùm Châu Âu đã đẩy EU vào ngõ cụt. Theo ông, Châu Âu không thể tiếp nhận tất cả những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Iraq hoặc Syria. “Nếu vậy, xã hội chúng ta sẽ hoàn toàn bất ổn”, ông nhấn mạnh. Áp lực càng đè nặng khi mới đây, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo Châu Âu chỉ có “chưa đầy 2 tháng” để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, nếu không muốn sụp đổ.

EU đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. Hơn 1 triệu người di cư, chủ yếu là những người dân đến từ Syria, Iraq, Afghanistan và các nước Châu Phi đã đến lục địa già trong năm 2015, bất chấp cuộc hành trình đầy nguy hiểm (hôm 22-1, ít nhất 21 người đã thiệt mạng khi tàu chở người tị nạn bị chìm ngoài hòn đảo Hy Lạp).

Đến nguy cơ Anh  rời khỏi EU

Anh dự kiến sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc nên “đi hay ở lại” EU. Dù vẫn còn thời gian khá nhiều để London và EU có thể “hiểu được nhau” nhưng giới phân tích cho rằng, dường như không có lý do gì để Anh muốn ở lại. Thủ tướng Anh David Cameron đã bày tỏ hoài nghi về quyền lực của EU và dự định sẽ nỗ lực hơn nữa để thay đổi luật của nước này nhằm khẳng định chủ quyền của Quốc hội Anh trong liên minh này.

“Nếu người Anh bỏ phiếu để rời khỏi EU vào năm 2016 hoặc năm 2017, EU đứng trước nguy cơ tan rã và toàn bộ dự án hội nhập Châu Âu có thể sẽ thất bại”, báo cáo của WEF cho biết. Hôm 21-1, phát biểu tại diễn đàn ở Davos, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng cho rằng, việc Anh rời khỏi EU sẽ là “một điều vô cùng tồi tệ”, đồng thời khẳng định, những yêu sách của London sẽ không thể được đáp ứng với bất cứ giá nào. “Cần phải có một thỏa thuận, song không phải bằng mọi giá”, ông nói ám chỉ việc London yêu cầu EU cải cách để thuyết phục nước này ở lại. Nguy cơ Brexit này - nếu trở thành sự thật - sẽ là bước ngoặt không mong muốn trên con đường hội nhập của EU. Và mối lo lớn hơn nữa là hệ quả về hiện tượng domino. Chính phủ các nước Châu Âu khác sẽ chịu áp lực tổ chức trưng cầu dân ý như ở Anh để cử tri lựa chọn có nên tiếp tục là thành viên EU nữa hay không.

4 năm sau khi liên minh tiền tệ duy nhất trên thế giới này được trao giải Nobel Hòa bình vì vai trò quan trọng trong hòa bình và hòa giải ở Châu Âu vào thời điểm đối mặt cuộc khủng hoảng đồng EUR, EU đang trở nên ốm yếu hơn bao giờ hết. Nếu không có một liều thuốc đủ mạnh, nguy cơ EU chết yểu là quá rõ ràng.

Khả Anh