EU với gói cứu trợ khổng lồ hậu Covid-19
Sau 4 ngày họp theo kiểu chạy đua marathon với mục tiêu đạt được một thỏa thuận về ngân sách chưa từng có hậu Covid-19, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã đi đến một thỏa thuận cuối cùng với gói cứu trợ phục hồi kinh tế do khủng hoảng Covid-19 trị giá lên tới 750 tỷ EUR. Cùng với đó là khoản hỗ trợ lên tới 1.047 tỷ EUR cho 7 năm tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai bên trái), nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp bàn tròn tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels hôm 20-7 (giờ địa phương). Ảnh: AP |
Những giờ đàm phán khó khăn
Đây là một trong những hội nghị thượng đỉnh kéo dài nhất từ trước tới nay của EU, ban đầu dự định diễn ra trong 2 ngày nhưng sau đó kéo dài đến 4 ngày.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận đã có những thời điểm căng thẳng cao độ, nhưng cuối cùng mọi chuyện tiến triển theo chiều hướng tích cực. “Chúng tôi đã tạo ra một khả năng cùng nhau thực hiện các khoản vay, thành lập một quỹ thu hồi theo tinh thần đoàn kết, một ý thức chia sẻ nợ vốn không thể tưởng tượng được cách đây không lâu”, Tổng thống Macron cho biết. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh trong tình huống đặc biệt đòi hỏi các bên có những nỗ lực đặc biệt để đạt đồng thuận. “Những sự kiện phi thường, trong thời điểm đại dịch, cũng đòi hỏi những phương pháp mới lạ thường”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Mặc dù hai nhà lãnh đạo Macron-Merkel là đối tác thân thiết nhất, liên minh Pháp - Đức hùng mạnh truyền thống vẫn ở hai đầu chiến tuyến trong nhiều ngày để có được sự nhất trí cuối cùng. “Khi Đức và Pháp đứng cạnh nhau, họ có thể làm tất cả mọi thứ. Nhưng nếu họ không cùng nhau đứng lên, thì không có gì là có thể”, ông Macron nói, thách thức bất cứ ai trên thế giới chỉ trích những ngày đấu đá để nghĩ về một nỗ lực chung và thành quả cuối cùng. Lúc đầu, “cặp đôi” Merkel và Macron muốn các khoản tài trợ lên tới 500 tỷ EUR nhưng nhóm gọi là “frugals” – 5 quốc gia giàu có ở miền bắc do Hà Lan dẫn đầu - muốn cắt giảm chi tiêu và các điều kiện cải cách kinh tế nghiêm ngặt. Con số này đã được hạ xuống còn 390 tỷ EUR, trong khi họ cũng có được sự đảm bảo về cải cách.
Mặc dù đối đầu bầm dập với Thủ tướng Merkel, Tổng thống Macron và người đồng cấp Italia Giuseppe Conte vẫn khẳng định “chúng tôi có mối quan hệ nồng ấm, tốt đẹp”. Ông Conte cũng không có thời gian để tiếp tục làm căng. Với 35.000 người dân đã chết vì Covid-19 và phải đối mặt nền kinh tế đi xuống, nhà lãnh đạo của Italia phải suy nghĩ quá nhiều, về những điều lớn và nhỏ - từ việc nhận tiền mặt cho đến việc mở cửa trường học như thế nào.
Gần 2.000 tỷ EUR
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 135.000 công dân Châu Âu và nhấn chìm nền kinh tế châu lục vào một cuộc suy thoái với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay. Vì vậy, sau những giờ đàm phán khó khăn, 27 nhà lãnh đạo miễn cưỡng cam kết một gói viện trợ khổng lồ, tốn kém cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, dịch bệnh đã giết chết 135.000 người trong EU, trị giá 750 tỷ EUR. Mục đích của gói này là cung cấp các khoản hỗ trợ và khoản vay để đối phó với tác động của cuộc suy thoái do đại dịch gây ra.
Với việc các nhà lãnh đạo phải đeo khẩu trang và hình ảnh dung dịch rửa tay vệ sinh có ở khắp mọi nơi tại hội nghị, các nhà lãnh đạo liên tục được nhắc nhở về mối đe dọa kinh tế và y tế khủng khiếp do đại dịch gây ra. Trước đó, đề xuất liên quan tới gói phục hồi 750 EUR vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch, các nước thành viên có chủ trương “thắt lưng buộc bụng”. Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết, nhóm các quốc gia này ban đầu chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỷ EUR, thậm chí là có điều kiện đi kèm.
Nhằm phá vỡ thế bế tắc, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là “con đường hướng đến một thỏa thuận”. Theo đó, ông đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỷ EUR đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm “thắt lưng buộc bụng”. Cuối cùng, đề xuất mới này đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó trình lên Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua. Trong khi đó, con đường tìm tiếng nói chung trong gói ngân sách dài hạn 1.047 tỷ EUR có vẻ dễ dàng hơn.
Nhưng ngay cả khi thỏa thuận thứ ba là một bước tiến khổng lồ, Nghị viện Châu Âu, vẫn gọi các động thái của các quốc gia thành viên là quá rụt rè.
KHẢ ANH