Báo Công An Đà Nẵng

EVNCPC: Chủ động phòng chống lụt bão

Thứ sáu, 24/10/2014 11:19

(Cadn.com.vn) - Đặc thù của ngành Điện là khối lượng tài sản lớn, nằm hầu hết ngoài trời, băng qua đồng ruộng, rừng núi... do vậy, mỗi mùa mưa bão đến, công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) luôn được chú trọng triển khai. Để có cái nhìn khái quát hơn về công tác chuẩn bị ứng phó lụt bão trong mùa mưa bão năm nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban chỉ huy PCLB Tổng Cty Điện lực miền Trung (EVNCPC).

Ông Nguyễn Thành - Phó Tổng giám đốc EVNCPC.

P.V: Khu vực miền Trung - Tây Nguyên hàng năm thường chịu ảnh hưởng của các trận bão, mưa, lũ lớn. Ông có nhận định gì về tình hình lụt bão năm 2014 này?

Ông Nguyễn Thành: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, năm 2014 sẽ có khoảng 9 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, đổ bộ vào Việt Nam, có thể có đến 4 cơn bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, không theo quy luật, ảnh hưởng dồn dập trong thời gian ngắn. Địa bàn các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên do EVNCPC quản lý vận hành nguồn, lưới điện từ cấp 110kV trở xuống có đặc thù về điều kiện tự nhiên là địa hình phức tạp, trải dài, có cả địa hình ven biển và miền núi với độ dốc khá lớn, nước chảy xiết, thường hay gây lũ lụt bất ngờ.

   Thực tế trong những năm qua cho thấy, lụt bão đã gây ra nhiều thiệt hại về tài sản ở các tỉnh miền Trung. Trong đó, thiệt hại của ngành Điện về nguồn lưới điện và sản lượng điện mất do phải ngừng cung cấp điện bởi lụt bão gây ra là rất lớn. Chỉ riêng 2 cơn bão số 10, 11 trong năm 2013 đã gây  thiệt hại tài sản trị giá 125,36 tỷ đồng, sản lượng điện ngừng cung cấp là 42,5 triệu kWh.

Việc phải ngừng cung cấp điện đã gây rất nhiều khó khăn cho mọi mặt hoạt động KT-XH tại địa phương. Từ những thực tế đó, để đảm bảo nguồn lưới điện cung cấp điện an toàn và ổn định cho khách hàng trong mọi thời điểm, đòi hỏi công tác chuẩn bị và PCLB là hết sức cần thiết.

P.V Để công tác PCLB 2014 đạt hiệu quả cao nhất, EVNCPC đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành: Nhằm chủ động ứng phó thiên tai trong năm 2014, EVNCPC đã xây dựng và thực hiện theo phương châm: "Chủ động phòng, tránh; ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; trong đó lấy phòng, tránh là chính". Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng các giải pháp cụ thể trước, trong và sau bão. Trong đó, đặc biệt chú trọng kiểm tra, gia cố, sửa chữa thiết bị, công trình, nhà xưởng, kho tàng, các công trình, nhà máy thủy điện có nguy cơ sự cố do lụt, bão, xử lý ngay các trường hợp không đảm bảo an toàn...

Khi có thông báo bão, thường xuyên theo dõi diễn biến để chủ động triển khai các phương án PCLB, xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn điện trong dân; sẵn sàng triển khai các phương án huy động vật tư, nhân lực, phương tiện để xử lý, khắc phục sự cố; tổ chức kiểm tra các vị trí xung yếu, theo dõi sát tình hình thủy văn, kiểm tra các công trình, thiết bị đóng mở vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn và tham gia giảm lũ vùng hạ du...

Khi bão ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị trực thuộc cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, sẵn sàng triển khai phương án PCLB theo phương châm "4 tại chỗ"; rà soát các phương án cắt điện đề phòng tai nạn, sự cố khi xảy ra bão, lụt và thực hiện đúng quy trình trong điều kiện thực tế nhằm đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn điện trong nhân dân; huy động nhân lực, phương tiện khắc phục thiệt hại, khôi phục cung cấp điện, đảm bảo an toàn cho CBCNV... Ngay sau khi bão tan, chủ động huy động toàn bộ lực lượng thống kê chính xác số lượng thiệt hại, từ đó nhanh chóng xác định được các điểm nóng phải giải quyết trước; cũng như chuẩn bị điều động đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện... để khôi phục cung cấp điện đặc biệt là khẩn trương khôi phục nhanh các sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra.

Năm 2013, cơn bão số 10, 11 đã gây thiệt hại tài sản của Tổng Công ty Điện lực miền Trung
lên đến 125,36 tỷ đồng, sản lượng điện ngừng cung cấp là 42,5 triệu kWh.

P.V: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ông có khuyến cáo gì gửi đến người dân về các biện pháp đề phòng tai nạn điện?

Ông Nguyễn Thành: Chúng tôi xác định việc ngăn ngừa, hạn chế tối đa tai nạn điện xảy ra trong dân là nhiệm vụ luôn được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Đối với người dân không nên trú tránh mưa ở khu vực cột điện, trạm biến áp, không chạm vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao. Không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện vượt qua hoặc sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời, gián tiếp gần đường dây cao, trung thế rất dễ bị phóng điện cực mạnh trong thời tiết xấu.

 Khi lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà phải cao hơn mức nước thường ngập lụt hoặc ẩm ướt và lắp thiết bị đóng, cắt chống rò điện phù hợp. Người sử dụng điện cần phải tuân thủ việc cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện ngoài trời khi mưa to, gió lớn (như các bảng hiệu, bảng quảng cáo…). Khi trú mưa bão hoặc tham gia giao thông cần tránh xa, báo cho cơ quan chức năng và mọi người xung quanh biết, lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã (đổ), dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng nước, ao hồ... Người dân không nên chủ quan, lơ là mà cần chủ động phòng tránh trước mọi thiên tai; nâng cao ý thức bảo vệ các công trình thủy lợi, bảo vệ môi trường; bảo vệ các công trình thủy điện, lưới điện; không trồng cây, không đốt rừng, không xây dựng công trình trong phạm vi an toàn lưới điện.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Ngọc Thạch
(thực hiện)